Đào tạo Chia sẻ của 1 nhân vật phản diện ở văn phòng

Chia sẻ của 1 nhân vật phản diện ở văn phòng

35
Bạn biết vì sao tôi được xem là “nhân vật phản diện” ở văn phòng không? Vì ở công ty, tôi làm việc để đạt được kết quả tốt nhất, không phải để kết bạn.


Ảnh minh họa

“Bà đó khó chịu lắm, kỹ tính gì đâu…”, “Nó dữ lắm đó, không phải dạng vừa đâu…” hay “Nhìn mặt là thấy không thân thiện tí nào…”. Tôi không lạ gì với những lời nhận xét trên đây về mình từ các đồng nghiệp trong công ty. Trong suy nghĩ của nhiều người, tôi được coi là “nhân vật phản diện” ở văn phòng.

Bạn biết vì sao tôi được xem là “nhân vật phản diện” ở văn phòng không? Vì ở công ty, tôi làm việc để đạt được kết quả tốt nhất, không phải để kết bạn. Vì vậy, tôi không bao giờ cố làm hài lòng mọi người chỉ để họ thích và “nâng đỡ” tôi trong công việc. Tôi nói “no” nhiều hơn là “yes” khi ai đó cố tình đùn đẩy công việc của họ cho tôi. Tôi luôn chi tiết và cẩn thận khi tìm ra những lỗi chính tả, những sai sót nhỏ trong một bản báo cáo để chúng trở nên hoàn hảo hơn. Tôi luôn yêu cầu, hối thúc đồng nghiệp phải bám theo deadline. Tôi sẵn sàng đứng lên chỉ ra người phải chịu trách nhiệm cho lỗi của họ làm ảnh hưởng đến dự án. Quan trọng nhất, tôi luôn rõ ràng và minh bạch giữa công việc và cảm xúc cá nhân.
 
Để tôi kể bạn nghe câu chuyện xảy ra lúc tôi mới ra trường đi làm. Đây cũng là bài học mà tôi không bao giờ quên.
 
Công việc đầu tiên của tôi là nhân viên marketing trong một team có 6 người. Là người trẻ nhất team và cũng là nhân viên mới nên tôi cố gắng tạo cơ hội tiếp xúc với mọi người và cũng vì muốn học hỏi thêm nên đồng nghiệp nhờ gì cũng làm. Ngay cả việc đặt bữa trưa hay mua dùm cà phê (mà đôi lúc họ quên cả trả tiền), tôi cũng đồng ý vì tôi nghĩ rằng mình đang xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người. Tuy nhiên, ngày này qua tháng nọ, dần dần tôi trở thành osin luôn của họ từ lúc nào không hay, việc vặt vẵn gì trong văn phòng họ cũng đưa tôi làm. Đến lúc công việc ngày càng nhiều và tôi lên tiếng rằng mình không thể tiếp tục “làm giúp” mọi người thì họ bắt đầu lời ra tiếng vào rằng tôi thay đổi!? Tôi nhớ mình đã bị mọi người đối xử tệ như thế nào khi họ cố tình tẩy chay và cô lập tôi.
 
Đây chỉ là một trong những tình huống thực tế phũ phàng ở văn phòng. Tôi nhận ra rằng sẽ chẳng hay ho gì nếu bạn là “người của mọi người” ở nơi công sở. Thực tế mà nói, văn phòng cũng như một cuộc chiến ngai vàng (tên của một bộ phim mà tôi rất thích. Nếu có thời gian, bạn nên xem nhé). Sẽ luôn có những người luôn muốn “thống trị” người khác. Nếu bạn chọn “đóng vai hiền”, nguy cơ cao là bạn sẽ bị đám người trên kiểm soát và định đoạt số phận. Và tất nhiên, Game of Thrones không phải là câu chuyện cổ tích nên sẽ chẳng anh hùng nào xuất hiện ra tay bảo vệ cho bạn.
 
Ngoài ra, tôi đọc được đâu đó lời khuyên của một doanh nhân thành công nói rằng “Để thành công, tài năng và sự cần cù thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần có khả năng nhìn xa và kiểm soát mọi thứ.” Khả năng kiểm soát ở đây tức biết mình đang làm gì và vì mục tiêu gì. Đây cũng là điều bạn sẽ hiếm thấy được ở những người luôn đóng vai “cô tấm hiền” trong văn phòng. Họ thường là những người mà ai cũng phải công nhận là luôn thân thiện, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người bất kể điều gì. Như một kết quả tất yếu, trong 8h làm việc, khi bạn dành thời gian để hỗ trợ việc người khác, thành tích vẫn là của họ còn bạn thì không đủ thời gian làm việc của mình. Tôi hoàn toàn không phải là tuýp người mà luôn chăm chỉ hỗ trợ mọi người, không bao giờ có ý khiến khác với mọi người, là bạn của cả công ty nhưng cuối cùng chẳng có một thành tích đáng tự hào.  
 
Nói như thế không phải là tôi khuyên bạn không nên hỗ trợ đồng nghiệp. Tinh thần teamwork hết sức quan trọng trong công việc. Tuy nhiên, hãy luôn rõ ràng khi phân chia trách nhiệm công việc để không trở thành nạn nhân của những đồng nghiệp lười biếng, hay vô trách nhiệm.
 
Hơn nữa, khi bạn tập trung vào việc kết bạn với ai đó, bạn có xu hướng bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân khi làm việc với người đó. Và thường thì khi lẫn lộn giữa cảm xúc và công việc, bạn khó có thể có những quyết định sáng suốt. Đương nhiên xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là điều được khuyến khích, nhưng hãy đảm bảo bạn có thể tách bạch rõ ràng giữa cảm xúc riêng và công việc chung. Bạn rất thân với anh A nhưng đừng bao giờ ủng hộ ý kiến của anh A trong cuộc họp nếu đó là một ý kiến rất tồi. Chị B rất thân thiện với bạn nhưng không có nghĩa bạn có thể bao che cho sai sót của chị trong công việc.
 
Bạn sẽ thắc mắc làm sao tôi có thể sống sót nếu như không ai thích tôi ở văn phòng. Thực tế, thành tích làm việc của bạn sẽ chứng minh tất cả. Suy cho cùng, trong công việc, mục tiêu cuối cùng là kết quả công việc. Bạn nên nhớ rằng cơ sở để sếp đánh giá tăng lương, thăng chức cho bạn là dựa vào KPIs, không phải là bạn giúp đỡ được bao nhiêu người hay bao nhiêu đồng nghiệp thích bạn hơn là anh A hay chị B. Những hành vi, thái độ hoặc quyết định của bạn đôi lúc có thể khiến mọi người không hài lòng nhưng kết quả làm việc cuối cùng sẽ giúp bạn chứng tỏ và thuyết phục sếp và mọi người rằng điều đó là chính đáng.
 
Trong mắt nhiều người có thể tôi là kẻ khó gần nhưng đối với tôi điều đó chẳng quan trọng. Tôi không phải là bạn của cả công ty nhưng tôi có những người bạn đúng nghĩa ở văn phòng. Đó là những đồng nghiệp thực sự “hiểu” con người tôi hơn là bộ mặt nạ mà nhiều người luôn cố gắng xây dựng để “làm hài lòng” người khác dù với bất kỳ mục đích nào.
 
Lời kết:
Tôi chia sẻ tâm sự trên đây không nhằm mục đích mong đợi sự đồng thuận của mọi người. Bạn có quyền lựa chọn bạn là người như thế nào ở văn phòng. Lời khuyên của tôi là dù ở đâu, hãy luôn là con người thật của chính mình, mạnh mẽ có tiếng nói riêng để có những quyết định sáng suốt cho sự nghiệp của mình.

Theo Hrinsider