Thực tế cho thấy, sau những giờ học căng thẳng mệt mỏi, học sinh cần hướng tới những trò chơi vận động, có sự tương tác giữa nhiều bạn chơi vừa rèn thể lực, vừa rèn trí lực, tạo ra tiếng cười vui vẻ, thoải mái, có thêm hứng thú cho những giờ học sau.
Thấy rõ tính ưu việt của trò chơi dân gian, vậy tại sao những trò chơi dân gian đã và đang dần mất đi vai trò vị trí trong các nhà trường, trong đời sống của học sinh THCS? Học sinh không hứng thú hay không biết đến các trò chơi dân gian? Học sinh không thích tham gia hay chưa có cơ hội để tham gia các trò chơi dân gian?
Có những giải pháp nào để đưa những trò chơi dân gian đơn giản nhưng ưu việt vào nhà trường THCS trong các giờ ra chơi, các buổi sinh hoạt tập thể, để dung hòa giữa trò chơi dân gian và trò chơi hiện đại?
Đặt ra những câu hỏi trên, cô Nguyễn Thị Mận – Giáo viên Trường THCS Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) đồng thời chia sẻ những giải pháp để đưa trò chơi dân gian vào nhà trường; góp phần làm sống lại những trò chơi dân gian – một mảng văn hóa dân tộc tốt đẹp của cha ông với những tiện ích và ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Thầy và trò cùng chơi
Không chỉ từ thầy cô giáo và học sinh, các nhà quản lí giáo dục, quản lí văn hóa dân gian và cả phụ huynh học sinh đều có vai trò quan trọng, giúp mà sống dậy các trò chơi dân gian trong trường học. Đặc biệt, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con em, không phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường; định hướng con em những trò chơi lành mạnh…
Cô Nguyễn Thị Mận
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường THCS có thành công hay không chủ yếu là do nhà trường, thầy cô trực tiếp làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Khẳng định điều này, cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, nhà trường cần phổ biến các trò chơi dân gian đến với học sinh; hướng dẫn cho học sinh luật chơi, cách thức chơi, ý nghĩa của từng trò chơi. Người hướng dẫn phải làm thế nào để truyền lửa, truyền hứng thú chơi, có những trò chơi phải truyền được khát khao chiến thắng cho học sinh.
Thời gian phổ biến có thể vào tuần lễ sinh hoạt đầu năm học; các tiết sinh hoạt dưới cờ; các tiết hoạt động ngoài giờ; các giờ ra chơi giữa các tiết học. Giáo viên hướng dẫn là người làm công tác đoàn đội, giáo viên dạy bộ môn thể dục, giáo viên chủ nhiệm
Theo cô Nguyễn Thị Mận, giáo viên cần hướng dẫn lí thuyết tỉ mỉ, có thể phô tô để gửi tới từng lớp học. Trong khi hướng dẫn phải giữ thái độ vui tươi, thoải mái, thực hành các trò chơi một cách chính xác, dí dỏm đồng thời cho học các nhóm học sinh tham gia thực hành để tạo không khí hào hứng, phấn khởi, kích thích những học sinh khác tham gia.
Sau khi phổ biến cách thức chơi đến học sinh, nhà trường cần tổ chức trò chơi, tạo ra phong trào chơi trong từng lớp học và cả trường ở các giờ ra chơi. Giáo viên sẽ cùng tham gia vào một số trò chơi với các em.
“Tâm lí học sinh THCS rất thích được gần gũi, giao lưu với các thầy cô. Nhiều khi thầy cô còn là thần tượng của các em. Khi thầy cô cùng tham gia, các em chơi tốt, thầy cô và bạn chơi khen, tán thưởng. Những bạn chơi chưa tốt thì động viên, khích lệ. Nếu có học sinh chưa nắm rõ luật và cách chơi, giáo viên và bạn chơi sẽ hướng dẫn lại.
Sự hiện diện của các thầy cô trong một số trò chơi, một số nhóm chơi sẽ tạo thêm hứng thú chơi đối với học sinh. Đó cũng là cách cải thiện mối quan hệ thầy – trò, tạo ra sự tương tác thầy trò, giúp cho việc xây dựng trường học thân thiện được tốt hơn” – cô Nguyễn Thị Mận cho biết.
Khuyến khích học sinh tự chuẩn bị công cụ chơi đơn giản
Cô Nguyễn Thị Mận gợi ý, học sinh có thể chuẩn bị những que chuyền, quả cầu, dây nhảy, những viên sỏi… Đây cũng là một cách tạo hứng thú chơi. Việc tự mình chọn những cành tre nhẵn, đẹp chặt vót que chuyền; nhặt, vệ sinh những viên sỏi cho sạch sẽ; lựa những khúc gỗ chắc đẽo con cù… giúp các em thấy được công sức bỏ ra, thấy được ý nghĩa của trò chơi từ khâu chuẩn bị…
Ngoài ra, nhà trường sẽ chuẩn bị dụng cụ các trò chơi cho học sinh. Sau đó phân về cho từng lớp, từng tổ. Có những trò chơi, học sinh muốn chơi nhưng không có công cụ, một số bạn lười chuẩn bị dụng cụ, hoặc không có tiền mua dụng cụ nên các bạn không tham gia chơi. Vì vậy, dụng cụ chơi có sẵn sẽ khuyến khích các em tham gia chơi một cách dễ dàng hơn.
Theo cô Nguyễn Thị Mận, nhà trường có thể phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội, kêu gọi nguồn quỹ hỗ trợ giáo dục hằng năm; kêu gọi các bậc phụ huynh học sinh tham gia ủng hộ từ nguồn quỹ lớp mỗi kì, mỗi năm.
Thực tế, dụng cụ phục vụ các trò chơi dân gian thường đơn giản, ít tốn kém. Vì vậy việc chuẩn bị dụng cụ chơi cho các lớp học cũng không gặp nhiều khó khăn đối với tất cả các nhà trường ở thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Phân công giáo viên chuyên trách phụ trách các trò chơi dân gian
Để khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào các trò chơi dân gian cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, vào các ngày sinh hoạt tập thể, nhà trường có thể tổ chức thi trò chơi dân gian giữa các lớp.
Việc tổ chức các cuộc thi tạo được nhiều hứng thú cho học sinh. Học sinh vừa thể hiện sức mạnh thể chất, sự thông minh, sự khéo léo, kĩ năng của bản thân vừa nuôi khát khao chiến thắng một cách lành mạnh. Nhiều trò chơi phát huy được tinh thần đoàn kết, sự khéo léo và sức mạnh tập thể, hợp lực. Trò chơi dân gian sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh hơn.
Có thể huy động nguồn kinh phí ở nhiều nguồn để trao giải thưởng bằng những món quà nhỏ cho từng đội chơi; mời Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp cùng đến dự để động viên, cổ vũ và khích lệ, tạo thêm không khí vui vẻ cho cuộc chơi.
Nhà trường cần phân công các giáo viên chuyên trách phụ trách các trò chơi dân gian từ đó phân cấp quản lý theo cấp tổ đội của từng lớp. Các kỳ có tổ chức nói chuyện chuyên đề và tổ chức cuộc thi các khối lớp các trò chơi dân gian lấy điểm số khen thưởng, liên kết các trường cùng có các chủ trương. Nhà trường có khen thưởng, động viên, rút kinh nghiệm kịp thời để động viên phong trào.
Theo Giáo dục và Thời đại