Kiến nghị thay đổi quy định đánh giá học sinh Tiểu học

“Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT khảo sát lại quy định nhận xét học sinh một cách trung thực, giáo viên khổ đã đành mà phụ huynh học sinh cũng không mấy hào hứng khi triển khai Thông tư 30. Từ đánh giá này, chúng ta có thể điều chỉnh Thông tư 30 sao cho hợp lý”, một số giáo viên và phụ huynh học sinh chia sẻ về Quy định đánh giá học sinh tiểu học (thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ) sau 2 năm triển khai.
Phụ huynh học sinh không hào hứng

Năm nay, con gái anh Hùng học lớp 4 ở một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội. Anh cho biết, những năm đầu tiên, cháu vẫn thường khoe điểm số để phấn đấu. Mẹ cháu thường hay cho hai chị em đi ăn gà rán khi có điểm 10. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mỗi lần đi học về, mẹ cháu hỏi “tuần này con học thế nào”? Cháu chỉ trả lời gọn lỏn: “Con có tiến bộ ạ”.

“Đúng là nhiều người cho rằng, bỏ điểm số ở tiểu học là hợp lý, là giống Tây. Nhưng tôi thiết nghĩ, ở nước ngoài mỗi lớp có vài chục học sinh, giáo viên có thời gian chăm sóc và theo dõi đến từng em. Còn như ở Hà Nội đây, có lớp đến sáu bảy chục học sinh, cô nói mà trò nghe rõ đã may lắm rồi, lấy đâu ra để đi sâu đi sát”, anh Hùng nói.

Cũng có hai con gái đang học tiểu học tại Hà Nội, chị Thanh Hiền (quận Hoàng Mai) cho hay, cô con gái đang học lớp 2 của mình giờ không màng đến chuyện làm bài. Cuối năm, con chỉ tập trung làm bài kiểm tra cho tốt, thế là xong.

“Không chỉ mình con gái tôi mà các bạn tôi cũng bảo, học sinh giờ đâm ra lười vì cơ chế nhận xét “cào bằng”, chung chung như nhau, khiến các con cũng nản”, chị Hiền nói.

Một phụ huynh có con học một trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh cũng nhận xét, xếp loại cho học sinh cấp 1 theo thông tư 30, học sinh sẽ ít có tinh thần phấn đấu, vì không phân biệt rõ ràng, Trong khi đó, giáo viên bận nhiều nhận xét, sổ sách, không có thời gian quan tâm chặt chẽ đến học sinh.

Cô Hằng, một giáo viên tiểu học tại Hà Tĩnh cho biết, để khuyến khích học sinh, nên có điểm số rõ ràng sẽ dễ cho cả người dạy và người học. Chẳng hạn, điểm 5, khác điểm 6, khác điểm 7. Tuy nhiên hiện nay, trong trường hợp 3 điểm số này, rất khó để nhận xét như thế nào cho hợp lý. Vì thế, đa phần học sinh và phụ huynh đều không thích.

Cô lấy thí dụ, chẳng hạn có 10 bài toán, một em làm được 8 bài nhưng một em làm được 10 bài. Nếu trước đây, chấm điểm 8 và điểm 10 tương đương cho hai em trên thì nay, chúng tôi không biết nhận xét ra sao cho hợp lý và đành phải phê như nhau là: “Làm bài tốt” hoặc “có tiến bộ” nhưng trong đó khó có thể nói được mức độ tiến bộ đến đâu. Đặc biệt, việc đánh giá theo Thông tư 30, hàng tháng là nhận xét nhưng cuối kỳ các em lại làm bài thi và chấm điểm số cho học sinh, như thế cũng chưa được hợp lý và thiếu tính thuyết phục.


Giấy khen cuối năm của một học sinh tiểu học tại Hải Phòng

Giáo viên mỏi mệt

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Hằng tỏ ra mệt: “Ngày 18/5, học sinh thi học kỳ xong, giáo viên phải chấm ngay bài thi. Sáng 19/5, chúng tôi vẫn phải đứng lớp. Chiều 19/5, giáo viên làm sổ sách để ngày 20/5 nộp danh sách khen thưởng. Đấy là chưa kể các hoạt động lao động xã hội cùng với nhà trường và địa phương trong những ngày này. Với thời gian sát nút thế, giáo viên phải bò ra để nhận xét 30 cuốn sổ thế này thật đau đầu quá”.

Cô giáo này chia sẻ thêm, điểm tốt của Thông tư 30 là có sự tham gia đánh giá của phụ huynh học sinh cùng với giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh gần như không bỏ thời gian để tham gia nhận xét cùng giáo viên.

Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cũng cho hay, việc tháng nào cũng phải viết nhận xét khiến giáo viên nhiều khi chỉ có thời gian để đổi chữ chứ không sáng tạo thêm được gì nhiều. Đặc biệt, giáo viên bộ môn như mỹ thuật chẳng hạn, vào cuối năm là “tẩu hỏa nhập ma”. Ví dụ, trường có khoảng 1 nghìn học sinh, mỗi khối có nhiều lớp, giáo viên các môn này phải nhận xét không biết bao nhiêu cuốn sổ.

Về điều này, chị Thanh Hiền cho rằng, mục tiêu của Thông tư 30 là tốt nhưng cách thực hiện còn nhiều bất cập. Vì thế cả giáo viên và học sinh đều không mặn mà với thông tư này nên theo quan điểm của chị, cần sớm thay đổi.

“Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT khảo sát lại quy định nhận xét học sinh một cách trung thực, giáo viên khổ đã đành mà phụ huynh học sinh cũng không mấy hào hứng khi triển khai thông tư 30. Từ đánh giá này, chúng ta có thể điều chỉnh thông tư 30 sao cho hợp lý”, chị Hiền nói.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho hay, vận dụng đúng Thông tư T30, học sinh tốt mặt nào khen mặt ấy nên các em sẽ không thiệt thòi và lời khen là để động viên, giúp các cháu nỗ lực. Vì thế, cuối năm hoặc cuối kì, nhà trường cứ mở đúng quy chế ra, mỗi cháu phải có một lời khen riêng trong giấy khen sao cho thích hợp với quá trình học tập.

Cô Ngọc cũng cho hay, do nhận xét quá nhiều nên một số người cho biết họ phải tham khảo “ngân hàng lời nhận xét” trên mạng cho nhanh nhưng trường mình chưa đến mức phải tham khảo “ngân hàng lời nhận xét” để ghi danh hiệu cuối năm.

Tuy nhiên, vào giai đoạn tổng kết học kỳ thế này, cả giáo viên và hiệu trưởng đều quá vất vả. Nhất là các giáo viên bộ môn, dạy bao nhiêu lớp phải ghi nhận xét đánh giá bấy nhiêu quyển là quá khốn khổ.

Theo Dân Trí