Mặc dù còn vài tuần nữa mới tới kỳ nghỉ hè, song lịch học thêm của em Vũ Nhật An (Thanh Trì, Hà Nội) đã được sắp xếp kín với đầy đủ các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ… Em An phải đi học 6 ngày/tuần và 2 ca/ngày.
Để cân bằng giữa học và chơi, một số cha mẹ đã đan xen vào lịch học hè của con những giờ học đàn, học vẽ, học bơi, học võ và một số hoạt động thể chất khác.
Nhưng qua phản ánh của các em nhỏ mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, những giờ học này không có nhiều tác dụng giải tỏa căng thẳng và giúp các em phát triển về thể chất, năng khiếu như mong đợi. Bởi trước khi tới các lớp học đó, các cháu đã phải trải qua một ngày dài với những giờ học kiến thức nặng nề, liên tục khiến cho cả trí não lẫn cơ thể của trẻ đều mệt mỏi, kiệt sức.
Học hè đã trở thành “nỗi ám ảnh” của không chỉ các em học sinh lớp lớn, ngay đến các em chuẩn bị vào lớp 1 cũng đã có một “mùa hè đổ lửa” bởi lịch học thêm dày đặc với những kỹ năng mà đáng ra các em sẽ được học khi thực sự bước vào lớp 1: tập tô ô số, làm quen với tiếng Anh, ôn lại chữ cái, rèn nề nếp, tư thế ngồi
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc học thêm mùa hè, nhưng có một sự thật rằng chuyện này ngày càng trở thành một “vấn nạn”. Chính sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái đã trở thành áp lực nặng nề khiến cho trẻ phải học tập quá sức.
Nhiều phụ huynh luôn mang nặng suy nghĩ con mình phải đạt được kết quả học tập tốt, có vị trí cao trong lớp… nên đã ép con học mà không để tâm tới chuyện trẻ muốn gì, năng lực của trẻ tới đâu và vô tình làm thui chột những năng khiếu khác của con trẻ.
Trong cuộc đời, mỗi con người chỉ trải qua một lần tuổi thơ và đây cũng là quãng thời gian ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp, đóng vai trò tối quan trọng trong việc hình thành nhân cách sau này. Cân bằng giữa học tập và vui chơi không chỉ giúp trẻ em rèn luyện, giữ gìn sức khỏe mà còn góp phần không nhỏ hình thành lối sống, tư cách.
Các bậc phụ huynh hãy xây dựng cho con em mình một thời khóa biểu phù hợp để không biến mùa hè của các em thành “học kỳ 3” và cũng không để tiếp diễn tình trạng những đứa trẻ bị “đánh cắp tuổi thơ”.
Theo Báo Phụ nữ