Trường điểm “đau đầu” vì xét tuyển trong tuyển sinh vào lớp 6 năm 2016

“Với hàng nghìn hồ sơ nộp vào, buộc phải chọn mấy trăm em nên trường phải ưu tiên cả học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ, con gia đình chính sách… Tuy nhiên, thực chất của những chứng chỉ này đến đâu, không thể kiểm tra được”, PGS Văn Như Cương chia sẻ về việc tuyển sinh vào lớp 6 qua phương thức xét tuyển.

Tuyển 200, hồ sơ nộp vào gấp 10 lần

Đã sang năm thứ 2, quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức được áp dụng. Theo chỉ tiêu tuyển sinh được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố năm nay, một số trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội như Trường Lương Thế Vinh, Trường Hà Nội Amsterdam, Marie curie… có chỉ tiêu tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều trường có số lượng hồ sơ nộp vào quá cao nên phải đặt ra các tiêu chí phụ để tuyển.

Ngày 4/5 vừa qua, Trường Lương Thế Vinh bán hồ sơ xét tuyển. Theo một giáo viên của nhà trường, việc bán hồ sơ được tiến hành cả tháng nên không có tình trạng chen lấn hoặc phải “đặt gạch” như trước đó.

PGS Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, đến ngày 13/5, đã có hơn 2.000 hồ sơ được bán ra. Với chỉ tiêu tuyển 600 em, lượng hồ sơ đăng ký đông hơn gấp nhiều lần nên trường sẽ ưu tiên kết quả trong học bạ rồi đến danh sách được cộng điểm, đạt giải cao trong các cuộc thi.

“Điểm số căn cứ là hai điểm thi cuối kì cùng với điểm cộng cho các giải thưởng, bằng khen qua các cuộc thi mà học sinh đã tham gia. Yêu cầu, 100% các em học sinh lớp 5 phải đạt loại giỏi. Tuy nhiên, trong đó chỉ một ít các em có bằng khen các cuộc thi cấp thành phố về Toán, Tin, tiếng Anh… nên nhà trường phải ưu tiên cả học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ hoặc con gia đình chính sách”, ông Cương chia sẻ.


Ảnh minh họa

Tại trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm trước tuyển 300 em, trong khi hồ sơ nộp vào hơn 1.200 bộ. Dự kiến cuối tháng 5 này, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển mới dồn dập nên có thể nói con số đăng kí vào trường chỉ có thể đông hơn chứ không thể kém hơn so với năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, nhà trường sẽ xét tuyển từ trên xuống dưới, ưu tiên hàng đầu cho những học sinh có kết quả học bạ xuất sắc, có nhiều giải thưởng cấp thành phố… đến khi đủ chỉ tiêu mới đến những học sinh có kết quả thấp hơn.

Trường THCS Cầu Giấy, một trong những điểm “nóng” tuyển sinh đầu cấp của quận Cầu Giấy năm nay cũng phải có tiêu chí phụ để tuyển sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, năm ngoái, ngoài học bạ, các giải thưởng, trường đã phải áp dụng loại những hồ sơ không có hộ khẩu trên địa bàn mới tuyển sinh được.

“Đau đầu” vì… điểm tuyệt đối

Được biết năm ngoái, nhiều trường “đặc biệt” đã ưu tiên xét điểm giỏi học bạ trong 5 năm tiểu học nhưng theo một số hiệu trưởng nhà trường, sau một thời gian học, nhiều em tỏ ra không theo kịp. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của PV, do có kinh nghiệm hơn nên nhiều cha mẹ học sinh rầm rộ cho con tham gia các cuộc thi để lấy chứng chỉ “phụ” phục vụ cho việc xét tuyển nên việc thi cử trên mạng tạo áp lực lớn cho nhiều gia đình.

Thầy Cương cho hay, năm học trước trường nhận được hơn 3.000 hồ sơ, trong đó hơn 1.000 đạt điểm 10 tuyệt đối, tức là học sinh đều giành 10 điểm trong các bài kiểm tra học kỳ của 5 năm tiểu học. Vì thế, nhà trường phải ưu tiên học sinh có giải thưởng trong các kỳ thi theo quy định của Sở. Tuy nhiên, theo thầy Cương, những hồ sơ có điểm tuyệt đối và các giải thưởng như bơi lội, hát hò… có thực chất hay không, cũng rất khó kiểm tra.

“Tôi sợ trong những năm tới, thay vì đi học thêm như trước đây, nhiều phụ huynh sẽ cho con em đi luyện thi lấy bằng khen, chứng chỉ”, ông Cương nói.

Trao đổi với PV về việc,do phụ huynh có kinh nghiệm về việc có chứng chỉ các cuộc thi sẽ được xét tuyển dễ dàng hơn nên năm nay, các cuộc thi trên mạng đã tạo áp lực rất lớn cho nhiều gia đình? Vì thế có tình trạng, một số em năng lực rất giỏi nhưng trượt cơ hội vào trường vì không có chứng chỉ các cuộc thi. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, các cuộc thi đó là một sân chơi. Đã là sân chơi thì phải tự nguyện và nó cũng có những mặt tốt nhất định. Tùy từng trường sẽ có các tiêu chí xét tuyển. Tuy nhiên, cho dù tiêu chí gì thì cũng không thể bỏ qua tiêu chí xét năng lực học tập từ lớp 1 đến lớp 5.

Về việc, để các trường “đặc biệt” xét tuyển nhưng không cho phép cơ chế tuyển sinh riêng, liệu có đảm bảo chất lượng, bởi theo một số nhà trường, sau thời gian học, nhiều em có biểu hiện không theo kịp?, ông Đại cho rằng: “Muốn xem xét chất lượng đào tạo, phải có thời gian để xác minh. Không thể chỉ qua một vài năm đã có thể xác định được. Được biết, qua báo cáo của một số trường sau khi kết thúc học kì I vừa qua, kết quả học tập của những học sinh tuyển sinh năm ngoái khá tốt”.

Theo Dân Trí