10 năm nữa sẽ có những công việc nào xuất hiện?

Đó là câu hỏi ở tạp chí SHRM số đầu năm 2016. Họ đã thử “bói” xem 10 năm nữa, năm 2025, ngành nhân sự sẽ có những công việc nào mới xuất hiện.


Ảnh minh họa

Thực ra đây là một dự án được tạp chí này hỗ trợ thực hiện cùng với một số công ty tư vấn và các học viện về nhân sự trong nỗ lực hình dung ra bộ mặt của 5 công việc được xem là “mới keng” ấy. Những công việc này lần đầu tiên xuất hiện và hứa hẹn ngành nhân sự sẽ có một bộ mặt mới.

Điều gì làm cho mọi người phải tiên đoán như vậy? Tại sao không theo cấu trúc ngành nhân sự vốn có lâu nay nữa? Có một điều mà ai cũng ngộ ra là thế giới của công việc ngày nay đang tiến hóa lên một mức độ phức tạp và toàn cầu mới, làm cho những công việc nhân sự không còn “như xưa”.

Mọi người chờ đợi thế hệ mới lãnh đạo doanh nghiệp cần có những kỹ năng mới trong marketing, thương hiệu, công nghệ thông tin, tài chính, quan hệ trong doanh nghiệp và cả trong hoạt động cộng đồng. Muốn vậy, phải có những công việc mới mà nhân sự sẽ gánh vác.

Trước hết là tên gọi cho những công việc này và phác thảo những gì mà các công việc mới sẽ làm. Chưa hết, ngay cả tên gọi các công việc này nghe cũng “lạ”. Không còn giống tên gọi truyền thống nào trong lĩnh vực nhân sự, nhưng đó chính là điều được chờ đợi.

1. Kỹ sư tổ chức

Đây là công việc “kỹ sư” nhưng lại làm việc trong chức năng nhân sự, dự báo là có 5 vai trò trong công việc như sau:

– Là chuyên gia về các phương pháp làm việc mới
– Điều phối hiệu quả làm việc của các nhóm công tác ảo
– Phát triển các loại hình lãnh đạo
– Chuyên gia trong gầy dựng nhân tài
– Rành việc trong tối ưu hóa công việc và các nguyên tắc của tổ chức, như tính uyển chuyển, kết nối, quyền hạn và lòng tin

2. Người kiến trúc văn hóa ảo

– Là người bảo vệ văn hóa
– Xây dựng thương hiệu
– Kết nối giữa mục đích của từng nhân viên với của công ty
– Truyền đạt các giá trị, chuẩn mực và niềm tin qua các kênh ảo và qua cá nhân từng con người

3. Người nhận diện, thu hút và gầy dựng nhân tài

– Là người bảo vệ văn hóa
– Nhận diện và sàng lọc nhân tài
– Hướng dẫn cuộc sống
– Phát triển nhân tài
– Là chuyên gia trong các mô hình công việc mới (nhân viên độc lập, hợp đồng…)
– Tối ưu hóa quan hệ với nhân viên, công việc và tổ chức

4. Người tích hợp dữ liệu, nhân tài và công nghệ

– Là người dự báo kỹ năng đi theo mỗi hướng công nghệ
– Áp dụng công nghệ về năng suất
– Ra quyết định và lập mô hình cho dữ liệu và thông tin phân tích về nhân tài 
– Điều chỉnh các giải thuật cho phù hợp
– Kết nối công nghệ, tự động và con người

5. Người tổ chức hoạt động cộng đồng và chính sách xã hội

– Là người thúc đẩy sự gắn bó nhân tài với cộng đồng
– Dẫn dắt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
– Xây dựng tổng lực giữa các mục tiêu của xã hội với của tổ chức
– Tạo ảnh hưởng ra bên ngoài tổ chức qua định hình chính sách, quy định và pháp luật hỗ trợ cho một thế giới công việc mới mẻ này

Câu chuyện “bói” đầu năm này chưa kết thúc và sẽ có những tiên đoán tiếp theo ngày một rõ dần lên và hiện thực hơn. Có thể 5 công việc trên sẽ còn thay đổi tên gọi. Nhưng một điều chắc chắn là mọi nỗ lực rất lớn đang làm cho ngành nhân sự thay đổi để đáp ứng chờ đợi của mọi người.

Theo TRƯƠNG CHÍ DŨNG – Giám đốc R&D, Công ty L&A/DNSGCT