Đào tạo 7 sai lầm chủ quan khi đánh giá nhân viên

7 sai lầm chủ quan khi đánh giá nhân viên

58
Đánh giá nhân sự chưa bao giờ là công việc dễ dàng của các nhà quản lý. Bất cứ ai cũng dễ dàng gặp phải những sai lầm, dẫn đến những nhận xét sai lệch, chủ quan mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng nhận ra. Trong bài viết này, Careerlink.vn sẽ chia sẻ những sai lầm phổ biến được các chuyên gia nhân sự tổng hợp để giúp các nhà lãnh đạo thuận lợi hơn trong quá trình quản lý của mình.
 


Ảnh minh họa

Tiêu chí đánh giá không rõ ràng

Đánh giá nhân viên không phải là điều dễ dàng, do đó, mỗi công ty cần đưa ra những tiêu chí chung, áp dụng cho các cấp bậc nhân viên khác nhau, để có cách đánh giá khách quan nhất. Nền tảng của việc đánh giá nhân viên chính là việc xây dựng một bản tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể. Các tiêu chí đánh giá không rõ ràng, các quyết định có tính tùy tiện, ngẫu hứng của người đánh giá chính là một trong những lý do chính đẩy nhân tài ra khỏi công ty.
 
Không đánh giá bao quát
Một trong những sai lầm khi đánh giá nhân viên là chỉ quan tâm đến kết quả gần nhất hoặc không đánh giá bao quát cả quá trình. Để đánh giá nhân viên đạt hiệu quả và có độ tin cậy cao, điều quan trọng là người lãnh đạo cần phải thu thập nhiều ví dụ thực tế cụ thể về hành vi tích cực cũng như những mặt cần cải thiện và đưa ra những thông tin, nhận xét từ các nguồn khách quan nhất, trong thời gian dài. Ngoài ra, lãnh đạo cũng cần quan sát và đánh giá trên tất cả các mặt để từ đó đưa ra nhận định chính xác nhất.
 
Đánh giá mang tính chủ quan
Sự bất công, không minh bạch luôn là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong nội bộ. Rất nhiều vị sếp thường đưa ra những những nhận xét cảm tính, vô hình và không thể định lượng được chính xác, nhất là khi đánh giá năng lực. Sự phán xét cá nhân có thể được xem là góc nhìn chủ quan của nhà quản lý vì thế dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi, thậm chí phẫn nộ giữa nhân viên với nhà quản lý trong kỳ đánh giá. Nếu là một vị sếp tốt, họ sẽ đánh giá nhân viên dựa trên năng lực thực sự và những tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Có như vậy mới tạo được động lực làm việc cho nhân viên của mình.
 
Không nói chuyện với nhân viên
Việc không giao tiếp, làm việc thường xuyên sẽ khiến lãnh đạo không có những đánh giá chính xác nhất đối với nhân viên của mình. Nếu sếp thường xuyên nói chuyện với nhân viên thì sẽ nắm được mục tiêu phát triển ngắn/dài hạn của nhân viên, biết được tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu những khó khăn trong quá trình xử lý công việc, cần trợ giúp từ cấp trên, để nhà quản lý đưa ra chiến lược phát triển, giúp nhân viên đạt mục tiêu cao nhất trong công việc. Qua đó cũng giúp nâng cao hiệu quả của quá trình đánh giá nhân sự.
 
Thiếu kỹ năng đánh giá
Nếu so sánh giữa tất cả các kỹ năng quản lý thì có lẽ kỹ năng đánh giá nhân viên là khó nhất.  Một nhà lãnh đạo thiếu kỹ năng đánh giá sẽ tạo tâm lý phản kháng ở nhân viên, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Vì vậy, nhà lãnh đạo cần rèn luyện các kỹ năng quan sát, óc phán đoán, liên kết logic để đưa ra những nhận xét cụ thể, rõ ràng và chính xác nhất. Từ đó sẽ giúp lãnh đạo đặt cấp dưới vào đúng vị trí, giao việc đúng với khả năng và nâng cao hiệu suất làm việc chung. 
 
Không linh hoạt
Dựa trên bảng tiêu chí đánh giá nhân viên, người lãnh đạo sẽ có những nhận xét cụ thể. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm dựa vào các tiêu chí đó mà không quan tâm đến các tiêu chí không ước định được thì sẽ là một sự thiếu sót. Do đó, hãy linh hoạt cân nhắc việc thêm hoặc bớt những tiêu chí đánh giá sao cho phù hợp hơn với nhân viên theo từng vị trí công việc cụ thể đồng thời đưa ra những nhận xét đánh giá riêng thay vì chỉ dựa vào những con số.
 
Đánh giá một chiều
Hiện nay, việc đánh giá nhân viên không còn chỉ là việc sếp nhận xét công việc của cấp dưới và mang tính áp đặt. Ngoài việc báo cáo công việc với sếp, nhân viên còn làm việc, giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp cũng như các bộ phận, phòng ban khác trong công ty để có cái nhìn đầy đủ hơn đồng thời tránh việc đưa ra những đánh giá chủ quan. Ban lãnh đạo cũng có thể để nhân viên tự đánh giá bản thân cũng như lắng nghe phản hồi từ chính nhân viên của mình. Làm như vậy sẽ tránh được việc đánh giá chủ quan, mang tính cá nhân và không đạt hiệu quả mong muốn.
Quá trình đánh giá nhân viên không phải là việc có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, hãy cho nhân viên thấy bạn quan tâm và đánh giá cao những cống hiến của họ cũng như chỉ ra những điểm cần được cải thiện và sẵn sàng hỗ trợ để nhân viên đạt được điều đó. Hãy thể hiện bản lĩnh của một nhà quản lý để khiến nhân viên “tâm phục khẩu phục”, sẵn sàng cống hiến vì công việc chung.

Theo careerlink