Hội thảo thu hút hơn 300 doanh nghiệp tới dự nhằm tìm hiểu cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Điều mà các doanh nghiệp tại hội thảo quan tâm nhất là làm thế nào để đứng vững trên sân nhà và tự tin hòa nhập vào sân chơi khu vực. Một trong những giải pháp then chốt cho vấn đề này được các diễn giả đưa ra là xây dựng nguồn nhân lực, xem đây là đòn bẩy để nâng cao năng lực nội tại, đưa doanh nghiệp ở vị thế sẵn sàng cho các chiến lược kinh doanh hợp lý trong tương lai.
“Vì vậy, đầu tư vào con người sẽ là công cụ thiết yếu dành cho tất cả các doanh nghiệp để tự trang bị một nội lực vững vàng và luôn ở tư thế chuẩn bị đón đầu hội nhập”, bà Trinh nhấn mạnh.
Nhân lực cần được xem là khoản đầu tư chiến lược chứ không phải là chi phí, lên kế hoạch cụ thể cho cả tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để nâng cao năng lực không phải cứ ồ ạt tuyển người là được. Cần phân tích, đánh giá những vị trí nào thật sự cần tuyển nhân tài bên ngoài vào, vị trí nào có thể cất nhắc nhân viên công ty lên trên, vị trí nào chỉ cần thuê tư vấn để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Điều quan trọng là cách quản trị để nhân tài vào công ty không làm xáo trộn bộ máy đang vận hành, tạo sân chơi cho họ thể hiện mình cùng hệ thống đánh giá, ghi nhận hiệu quả công việc thích đáng, tất cả đều đánh giá bằng chỉ số cụ thể.
“Để vươn ra nước ngoài và cạnh tranh ngay trên sân nhà, nguồn nhân lực Việt hoàn toàn đủ khả năng quản lý tốt. Người lãnh đạo cần mở rộng tư duy, luôn học hỏi và ứng dụng những phương cách quản trị hiện đại, đầu tư vào chiến lược, hệ thống và con người… để tận dụng những lợi thế sẵn có”, bà Trinh nói.
CEO Talentnet cho rằng bất kỳ thời điểm và bối cảnh nào đều có thuận lợi và thách thức. Nếu từ góc nhìn toàn cảnh thì việc gia nhập AEC mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, kết nối giao thương với những đối tác tiềm năng cũng như đón nhận luồng đầu tư và công nghệ mới. Còn từ khía cạnh doanh nghiệp nội địa, sẽ có nhiều công ty nước ngoài vào làm ăn tạo áp lực cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp muốn trụ lại thì phải tạo nên sức mạnh nội tại, chỉ có mạnh trong nước mới phát triển ra nước ngoài thành công.
polyad
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Bá Thông – Tổng giám đốc TTT Corporation nhìn nhận để vươn ra khu vực, trước hết doanh nghiệp phải làm tốt ngay từ sân nhà. Đơn cử như TTT từ khi ra đời năm 1992 chỉ với vài người đến nay đã có 400 nhân viên, 800 công nhân, thực hiện hơn 5.000 dự án cho hơn 2.000 khách hàng tại 17 quốc gia. Tuy nhiên, để có sự phát triển mạnh mẽ này thì ban đầu công ty phải chấp nhận làm thầu phụ, thi công những dự án nhỏ lẻ. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, nhân lực, vật lực cùng việc tiếp cận những công nghệ hiện đại, công ty đã mạnh dạn chuyển hướng sang khách hàng nước ngoài.
Về nỗi lo của các doanh nghiệp khi gia nhập AEC, ngay cả thị trường nội địa 90 triệu dân chúng ta còn chưa trụ được nói chi đến việc lấn sân thị trường hơn 600 triệu dân của toàn cộng đồng, ông Thông khuyên doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị tốt, không chủ quan nhưng cũng đừng tự ti.
“Lợi thế sân nhà giúp chúng ta có thể chủ động phòng thủ chặt, đánh chặn và thực hiện phản công. Việc này hoàn toàn khả thi nếu có bộ máy nhân sự đủ tầm và tâm cùng hệ thống quản trị hiện đại và công nghệ tiên tiến”, ông Thông chia sẻ.
Vị CEO này cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt nên mạnh dạn trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài. Ông nêu ví dụ về việc TTT ngần ngại tham dự một hội chợ quốc tế ngành trang trí nội thất tại Singapore do chưa chuẩn bị sản phẩm một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi sang hội chợ với vai trò khách tham quan, ông khá ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trưng bày những sản phẩm đơn giản, mẫu mã bình thường mà TTT đủ sức thực hiện. Điều quan trọng mà các doanh nghiệp này nhận được ở hội chợ là phản hồi từ các khách hàng đa quốc gia về thế mạnh hay những điểm cần khắc phục của sản phẩm mà nếu cứ ở nhà thì không thể có những thông tin quý giá này. Chưa kể đến việc tham gia giao thương còn tạo các mối liên kết, đối tác cho quá trình làm ăn sau này.
“Chúng ta cần chuẩn bị tốt nhưng cũng không nên quá cầu toàn, cần sự nhanh nhạy và quyết đoán để tự tin tham gia, nếu không cơ hội tốt sẽ lập tức vuột khỏi tầm tay”, ông Thông nhận xét.
Ông Simon Won – Giám đốc Điều hành Cornerstone International Group (Singapore) khuyên các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng AEC hay TPP để mở rộng thị trường nên có kế hoạch cụ thể. Việc cần làm đầu tiên là tìm hiểu thông tin về kinh tế, văn hóa, chính trị và hành lang pháp lý của quốc gia muốn thâm nhập. Để giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí đầu tư khi vào thị trường mới, cần tuyển ngay nhân sự tại chỗ, hợp tác với các nhà phân phối địa phương, kêu gọi góp vốn từ các đối tác nội địa. Nếu đủ tiềm lực có thể “đi tắt” bằng cách mua bán, sáp nhập những thương hiệu có tiếng tại địa phương để rút ngắn thời gian xâm nhập thị trường.
Còn ông Edward Foong – Tổng giám đốc Công ty Treino Consulting (Singapore) đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các nước trong khu vực. Vấn đề là cần có những hành lang pháp lý công nhận bằng cấp, chuyên môn giữa các quốc gia trong vùng tạo điều kiện cho người tài có thể dịch chuyển sang những môi trường mới, tạo nên sự giao thoa tư duy hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Cũng trong hội thảo “Tư duy giao thoa”, ban tổ chức đã phát động giải thưởng Vietnam HR Awards 2016. Đây là giải thưởng về quản trị nguồn nhân lực được sự bảo trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với phương pháp chuyên môn độc quyền từ Viện Nghiên cứu Quản trị nguồn nhân lực Singapore (Singapore Human Resources Institute – SHRI) – một tổ chức nghiên cứu lĩnh vực nhân sự lớn nhất Singapore với 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Điểm mới của giải thưởng năm nay là bổ sung thêm cơ cấu giải dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các công ty vừa và nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa ngày càng tự tin và mạnh dạn hơn trong một sân chơi lớn, sân chơi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập của AEC và TPP.
Vietnam HR Awards ra đời vào năm 2014, là giải thưởng đầu tiên về chiến lược nhân sự tại Việt Nam nhằm tôn vinh chiến lược nhân sự cũng như tạo một sân chơi hữu ích để các doanh nghiệp cùng học hỏi và chia sẻ những chính sách nhân sự hay, thiết thực, đóng góp cho sự phát triển cho doanh nghiệp và người lao động. Nhiều tập đoàn lớn đã hưởng ứng đăng ký tham gia và đạt giải như Abbott, AIA, CSC, DHL Express, HSBC, Intel Products, Intercontinental Hanoi Westlake, Unilever, Samsung, Thế Giới Di Động, FPT, TCM. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp và tiên tiến, giải thưởng sử dụng phương pháp chuyên môn quốc tế từ tổ chức SHRI và được bổ sung một số yếu tố đánh giá phù hợp với thị trường Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch về quy trình chấm giải, sự chuyên nghiệp về hạng mục giải thưởng, tiêu chí chấm giải. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định giải đều là các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tập trung vào việc thẩm định các chính sách nhân sự của các doanh nghiệp.
Theo VnExpress