“Các doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, do đó khó có thể có một nền kinh tế “khỏe mạnh” nếu các tế bào của nền kinh tế đó ốm yếu” – Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ví von tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hôi nhập quốc tế” do VCCI phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sáng nay (28/12) tại Hà Nội.
Ảnh minh họa
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Theo Báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước. Rõ ràng, tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Ông Sơn cũng cho rằng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh xét cho cùng là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo và đổi mới để có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan mật thiết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Thực tế, năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam bị chấm điểm thấp trong các báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố những năm gần đây.
Theo Chủ tịch VCCI, các nguyên nhân lý giải những điểm còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh của đa số doanh nghiệp Việt Nam có thể kể đến: khả năng hoạch định chiến lược, phát triển thị trường và thương hiệu kém, năng lực quản trị yếu và đặc biệt là năng suất lao động thấp. Ngoài ra, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập.
TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, trong thời gian tới VCCI sẽ phối hợp với các bô ngành để đưa ra chương trình đào tạo cho doanh nghiệp trong việc đào tạo về quản trị và áp dụng công nghệ mới… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Thierry Geiger – Chuyên gia cao cấp của Diễn đàn Thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân viên, nâng cao kỹ năng quản lý, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, cải thiện thương hiệu và marketing…
Theo dddn