Thông tư 36: Mũi tên nhiều đích!

Thông tư 36/2014/TT-NHNN (TT 36) ban hành ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động các của tổ chức tín dụng, thay thế cho một số quy định trước đây như Thông tư 13/2010, Thông tư 19/2010, Thông tư 22/2011 và Thông tư 15/2009… đang có tác động tâm lý tới thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa

Về lâu dài và nhìn một cách tổng quan, TT 36 không chỉ liên quan đến TTCK và các ngân hàng, mà còn có thể ví như một mũi tên bắn tới nhiều đích…
Siết nhưng không… siết
Theo quy định tại TT 36, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không được cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại tới đây các nhà băng sẽ “siết” nguồn vốn cho vay kinh doanh cổ phiếu.
Trên thực tế, nếu tính tổng vốn điều lệ của các NH Việt Nam (37 NH trong nước) đang đạt mức 428.7 nghìn tỷ đồng, thì chỉ cần các NH cho vay đầu tư cổ phiếu “kịch trần” 5%, dòng tiền tín dụng giải ngân vào chứng khoán vẫn là không nhỏ. Con số tương ứng ước đạt khoảng 21.750 tỷ đồng (số liệu vốn điều lệ các NH tính đến tháng 7/2014, nguồn: NHNN).
Một thống kê của UBCK NN vừa công bố mới đây cho biết tổng cho vay ký quỹ đến cuối tháng 10/2014 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với tháng 9/2014. Tuy nhiên, khó có thể ước tính được bao nhiêu trong 17.000 tỷ đồng là tín dụng ngân hàng. Một ước tính khác của Chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng con số này thực tế còn cao hơn, ước đạt khoảng 20-21 nghìn tỷ đồng, tức vẫn dưới “trần” mà Thông tư 36 quy định.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Phụ trách nhóm Phân tích Vĩ mô – Thị trường CTCK BSC cho biết nếu theo số liệu thống kê chung thì vẫn còn “room”, nhưng thực tế hoạt động cho vay và đầu tư chứng khoán hoàn toàn không giống nhiều điểm như thống kê. Điều có thể nhận thấy được là hoạt động cho vay margin của các CTCK sẽ bị xáo trộn.
Cũng theo quy định này, các NH có nợ xấu trên 3% sẽ không được cho vay đầu tư chứng khoán, nhưng xét theo mục tiêu mà các NH đều đặt ra cho năm 2014 và mục tiêu mà cả hệ thống nhà băng đang hướng đến là đưa nợ xấu về dưới 3%, về mặt lí thuyết thì như vậy quy định trong TT 36 cũng sẽ không làm “teo” lại vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Chưa kể nhiều NH cũng đang đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm nay và hé lộ cả kế hoạch tăng vốn điều lệ để đạt quy mô của những NH lớn trong năm tới, nên khả năng con số dư nợ cho vay chứng khoán được phép trên lý thuyết sẽ còn tăng theo thời gian.
Còn ông Bùi Nguyên Khoa nhận xét: Mặc dù TT 36 có hiệu lực từ 1/2/2015 nhưng quy định mới ở phần (1) và (2) theo chúng tôi cũng sẽ gây xáo trộn lên thị trường vốn trong ngắn hạn, khi các NHTM sẽ phải rà soát lại hệ thống liên quan đến hoạt động cho vay và ủy thác đầu tư chứng khoán. Xây dựng lộ trình giảm bớt cho hoạt động này nếu vượt quá tỷ lệ 5% VCSH.
Trong trung và dài hạn TT 36, ngoài việc các yếu tố tích cực như tăng tính minh bạch, ngăn chặn sở hữu chéo và nguy cơ rủi ro hệ thống thì sẽ có lợi cho nền kinh tế khi tạo điền kiện cho các ngân hàng tăng các khoản vay tín dụng trung và dài hạn cho sản xuất và các hoạt động đầu tư chứng khoán và BĐS.
Thêm nguồn lực giải ngân
Thông tư gián tiếp bảo vệ các NĐT, giúp ổn định hệ thống tài chính về lâu dài.
Nhìn dài hạn như vậy, trước mắt giới phân tích tin tưởng sự hỗ trợ của Thông tư 36 đối với TTCK, hơn là tâm lí xao động của các nhà đầu tư. Điều không kém phần quan trọng xác lập việc đặt “trần” cho vay chứng khoán, cũng không làm “teo” vốn tín dụng hỗ trợ thị trường, là 5% vốn điều lệ của các NH được phép cho vay đầu tư chứng khoán, sẽ không bao gồm trái phiếu. Hiện tại trên thị trường, trái phiếu vẫn là danh mục ưa thích của các NH và các nhà đầu tư tổ chức, như một kênh đầu tư an toàn. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các NH cho thấy trái phiếu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán đang tăng trưởng so với cùng kì. Ví dụ tại Vietinbank, NH có vốn điều lệ 37.000 tỷ đồng – lớn nhất VN hiện nay, 6 tháng đầu năm, tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán tăng thêm 29.698 tỷ đồng (tương đương mức tăng 35,7%) trong đó đa phần là trái phiếu chính phủ, tín phiếu. Hay như với Vietrcombank, tổng danh mục tự doanh và đầu tư tăng thêm 26.805 tỷ đồng (tương đương mức tăng 41,4%), chủ yếu được dồn vào các công cụ trái phiếu và tự doanh chứng khoán. “Sẽ chẳng có nhiều thay đổi về thanh khoản và vốn vào TTCK, và phần lớn các NH vẫn còn dư địa để vào kênh trái phiếu” – một chuyên gia NH nói.

Cũng liên quan đến dự báo TTCK từ nay đến cuối năm, quy định “Chuyển tiếp” (Điều 25, chương III) đối với việc cấp tín dụng cho khách hàng vay kinh doanh, đầu tư chứng khoán sẽ được xác định tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, không hồi tố. Thông tư 36 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2015. Như vậy các TCTD lẫn… khách hàng vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn hơn 2 tháng để có thể thương thảo cấp tín dụng vay mới, trung và dài hạn tới hết năm 2015, khi các NH bắt buộc phải có phương án lên danh sách các khoản vay, đề xuất biện pháp quản lí, thu hồi vốn. Đây có thể là khoảng thời gian “đẹp” đủ để các NH được tăng trưởng tín dụng tốt trong những tháng cuối năm.Và rất có thể trong vòng 2 tháng tới, TTCK cũng có thêm nguồn lực giải ngân đột ngột – tất nhiên, phải trừ đi những phiên điều chỉnh ngắn hạn trước mắt bởi tâm lí quan ngại nhất thời về tinh thần “siết” chứng khoán trong TT 36 cần chút thời gian để lắng xuống. TT 36 rõ ràng đang nhắm đến hai mục tiêu quan trọng: Kích hoạt tăng trưởng tín dụng và hâm nóng hơn nữa TTCK.

Theo dddn