Kiến thức quản trị 6 bài học kinh doanh từ các ngôi sao giải trí

6 bài học kinh doanh từ các ngôi sao giải trí

13
Không chỉ là những ngôi sao giải trí, Miley Cyrus, Justin Bieber hay chị em nhà Kardashians,… còn là các cỗ máy kiếm tiền siêu đẳng không thua kém gì các thương hiệu và doanh nghiệp lớn. Dưới đây là sáu bài học kinh doanh mà bạn có thể học được từ những người nổi tiếng “hot” nhất thế giới.
Ảnh minh họa

Lana Del Rey: Nếu thương hiệu của bạn không hiệu quả, hãy tái tạo nó
Trước khi tìm được danh tiếng là ca sỹ nóng bỏng của thập niên 60 của thế kỷ trước, Lana Del Rey là sinh viên trường Đại học Fordham, New York và có tên là Elizabeth “Lizzy” Grant. Bà đã bắt đầu sự nghiệp với tên thường gọi, mái tóc vàng, không có tài năng đặc biệt và chất giọng dễ nghe. Nhưng chừng đó vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy, bà đã tái tạo sự nghiệp trên sân khấu của mình với cái tên Lana Del Rey, nhuộm lại tóc, trang điểm theo xu hướng của những năm 1960 với chất giọng sâu lắng và đã có sự đột phá.
Nếu công ty của bạn không nổi bật, hãy cân nhắc con đường từ Lizzy trở thành Lana – tạo cho địa điểm, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn một diện mạo mới để tạo cho bạn một phong cách cuốn hút, nổi bật trên thị trường.
Miley Cyrus: Yêu khách hàng của bạn và họ sẽ yêu quý bạn
Miley Cyrus yêu các fan của mình đến nỗi cô đã đặt cho họ biệt danh là “Smilers” và đảm bảo luôn cảm tạ họ thường xuyên dù là trong các tour diễn hay trên mạng xã hội. Đây là một chiến lược hay cho doanh nghiệp của bạn. Bạn sẽ dễ dàng tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ với các khách hàng hiện tại – những người đang là fan cuồng hơn là thử với những đối tượng khách hàng mới.
Vì vậy, hãy đảm bảo các khách hàng của bạn biết rằng họ được yêu quý và hãy luôn nói với họ điều đó. Làm như vậy sẽ tạo ra những khách hàng mua nhiều hàng của bạn và ủng hộ bạn – sự trung thành là điều bạn nên hướng tới.
Justin Bieber: Hướng tới thị trường phù hợp
Nhiều người trong số chúng ta không hiểu sức cuốn hút của Justin Bieber là gì, nhưng điều đó không phải là vấn đề vì chúng ta không phải là đối tượng khách hàng mục tiêu của anh ấy. Bieber cuốn hút giới trẻ và các cô gái tuổi teen. Họ yêu anh ấy và anh ấy biết cách tận dụng điều đó mà không cần lo lắng những người khác nghĩ gì về mình.
Doanh nghiệp của bạn có thể mượn chiêu này của Bieber – chỉ tập trung vào thị trường mục tiêu và biết thị trường đó quan tâm tới điều gì mà thôi. Tôi nhớ một cửa hiệu giày rất thành công ở Chicago cũng đã áp dụng chiến lược tương tự. Họ chỉ tuyển những nhân viên nam trẻ trung hấp dẫn, và những người này không ngừng tán dương mọi khách hàng nữ khi họ thử những đôi giày. Cửa hiệu đó đã làm rất tốt. Khi bạn đã nắm chắc thị trường mục tiêu của mình, hãy tìm ra một kế sách có sức hấp dẫn đối với họ.
Chị em nhà Kardashians: Hãy đập khi thép còn nóng
Các cô gái nhà Kardashian quảng cáo quần áo, mỹ phẩm, nước hoa và nhiều thứ khác. Họ biết rằng không có chu kỳ kinh doanh nào kéo dài mãi, vì thế họ không ngại tối đa hóa tiềm năng của mình khi còn có thể.
Điều này cũng đúng với công ty bạn. Các chu kỳ kinh doanh đang ngắn dần lại, vì vậy đừng ngại tận dụng tối đa các cơ hội khi bạn còn đang ‘hot’.
Oprah Winfrey: Cần mất thời gian
Khi Oprah Winfrey mở mạng lưới OWN của bà, nó đã có nền tảng thành công hoàn hảo. Oprah có một lượng fan khổng lồ, nhiều kinh nghiệm, một mạng lưới khủng các mối liên hệ và tài khoản ngân hàng kếch xù để cấp vốn cho nỗ lực của bà. Nhưng phải mất nhiều năm thì OWN mới tìm ra con đường của nó.
Hãy nhớ điều đó khi bạn ra mắt một công ty mới hoặc thậm chí một sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Nếu Oprah phải mất nhiều năm thì bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần mất từng đó thời gian để công ty bạn có sức hút và chỗ đứng vững chắc.
Lindsay Lohan (và những người nổi tiếng khác): Ngay cả một thương hiệu tốt cũng có thể bị lu mờ
Ngay cả khi bạn có thứ gì đó có giá trị để cung cấp, nếu bạn mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn, dần dần mọi người sẽ không muốn làm ăn với bạn. Alec Baldwin, Tiger Woods và Lindsay Lohan là những người nổi tiếng đã học được điều này theo cách rất khó khăn.
Bạn không thể tự mãn trong kinh doanh, bạn cần liên tục làm việc để có được lòng tin và sự tôn trọng của các nhà cung cấp, khách hàng và nhân viên. Nếu không, nhiều khả năng là bạn sẽ kiệt quệ dần và bị xóa sổ vĩnh viễn.

Theo Entrepreneur/DNSG