Trần chi phí quảng cáo: Bỏ chiếc áo chật hay chỉ bật cúc?

Để tạo sân chơi bình đẳng nên dỡ bỏ hoàn toàn trần quảng cáo khuyến mãi cho các DN nhỏ. Riêng đối với các DN lớn, DN FDI thì không nên dỡ bỏ hoàn toàn. Các DNNVV có thể hợp tác với nhau để tạo ra sức mạnh cạnh tranh với công ty lớn khi trần chi phí quảng cáo được dỡ bỏ, đồng thời tạo ra những sản phẩm khác biệt để xây dựng thương hiệu.
Ảnh minh họa

Sau 15 năm kêu gọi cởi bỏ trần quảng cáo, các DN Việt Nam giờ đây đang đứng trước khả năng điều luật liên quan đến quy định này có thể được dỡ bỏ thời gian tới. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế đã được trình lên Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, nhiều quan ngại lại xuất hiện, trong đó có cả yêu cầu cần kiểm soát khoản chi này.
Trước đó, quy định áp trần chi khuyến mãi, tiếp thị, quảng cáo bằng 15% tổng chi phí DN bị phản đối với lập luận: Nó làm hạn chế sự chủ động trong kinh doanh của DN, làm mất khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường sản phẩm… Thậm chí, có ý kiến cho rằng, quy định này còn hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo rào cản để DN và sản phẩm Việt tiến ra thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Thống Nhất cho biết, việc dỡ bỏ trần quảng cáo khuyến mãi là đúng đắn vì hiện nay ở các nước trên thế giới đã không khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi của các DN mà còn khuyến khích các DN tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi.
Trong khi ở Việt Nam, các DN nỗ lực, cố gắng tham gia kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới và cần hoạt động quảng cáo để quảng bá hình ảnh sản phẩm đến với người tiêu dùng, lại bị hạn chế. Dẫn đến, DN đã và đang mất đi vũ khí quảng bá và tuyên truyền chính đáng.
Đồng tình quan điểm trên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong thời hội nhập hiện nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ nên DN không thể kinh doanh theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” được nữa, họ cần nhiều công cụ hiện đại, trong đó có hoạt động quảng cáo khuyến mãi…
Bà Loan khẳng định, đây là thời điểm để các DN Việt cần phải chủ động trong chi phí quảng cáo, khuyến mãi của mình để nâng cao hơn nữa vị thế sản phẩm và thương hiệu… đừng để sân chơi của quảng cáo hay khuyến mãi thuộc về các DN FDI.
“Ngay cả mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các DN Việt mới chỉ hy vọng có một số thương hiệu nổi tiếng trong khu vực chứ chưa nói gì tới mục tiêu có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Nhưng đấy không phải là do trình độ phát triển của DN quá thấp mà do DN chưa chú trọng xây dựng thương hiệu”, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng giải thích thêm.
Tuy nhiên, theo nhiều DN, bên cạnh kiến nghị dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi, vấn đề môi trường cạnh tranh giữa DN trong nước với DN FDI cần phải được quan tâm. Bởi DN FDI có thế mạnh rõ rệt về năng lực tài chính, mạng lưới sản xuất kinh doanh, thị phần và thương hiệu trên thị trường… rất dễ hưởng lợi từ việc cởi bỏ trần chi phí quảng cáo.
Đủ quy định đảm bảo công bằng
Quan ngại về cuộc cạnh tranh không cân sức khi trần chi phí quảng cáo được dỡ bỏ của nhiều DN không thiếu cơ sở để chứng minh. Trong khi một tỷ lệ rất lớn DN Việt là vừa và nhỏ, các DN FDI lại đang cho thấy sự lấn lướt cả trên sân nhà và trong hoạt động xuất khẩu. Ông Đào Việt Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Hồng Thành tỏ ra lo ngại, nếu trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi được dỡ bỏ hoàn toàn, sức cạnh tranh giữa các DNNVV sẽ thấp, thậm chí không có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thậm chí, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP sữa Hà Nội thì cho biết, việc dỡ trần chi phí quảng cáo sẽ tạo ra kẽ hở cho các DN trốn thuế thu nhập. Còn ông Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tiếp thị và truyền thông Tiền Phong chia sẻ thêm, hiện nay DN trong nước vẫn chưa nắm rõ sau khi dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo sẽ được hỗ trợ những gì so với các DN FDI.
Ông Hoàng Anh cho rằng, như thương hiệu Coca Cola giá trị thương hiệu của họ cực lớn nên họ chỉ cần bỏ ra chi phí 5% cho hoạt động quảng cáo cũng đủ để thu hút khách hàng.
Vì vậy, theo ông Đào Việt Hồng, để tạo sân chơi bình đẳng nên dỡ bỏ hoàn toàn trần quảng cáo khuyến mãi cho các DN nhỏ. Riêng đối với các DN lớn, DN FDI thì không nên dỡ bỏ hoàn toàn. Vì thực tế, đối với nhiều DN nhỏ hiện nay, việc dỡ bỏ trần quảng cáo hoàn toàn hay không cũng không ảnh hưởng, bởi các DN không đủ kinh phí trong các hoạt động quảng cáo khuyến mãi, nhất là quảng cáo trên truyền hình.
Ở điểm này, bà Loan trấn an: “Không nên lo lắng nhiều vì hiện tại đã có những công cụ quản lý khá tốt đối với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi như Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng… Đừng chỉ vì trường hợp xấu xảy ra ở nơi nào đó mà lại bó buộc không cho phép DN chủ động trên tài sản, vốn của mình trong hoạt động thu hút khách hàng thông qua quảng cáo và khuyến mãi”.
Ông Stephen Kreppel, chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia Công ty tư vấn National Consultancy khuyến nghị, các DNNVV có thể hợp tác với nhau để tạo ra sức mạnh cạnh tranh với công ty lớn khi trần chi phí quảng cáo được dỡ bỏ, đồng thời tạo ra những sản phẩm khác biệt để xây dựng thương hiệu.

Theo Thời báo Ngân hàng