Khi sếp stress vì nhân viên

“Nhiều lần tôi cảm thấy bị xúc phạm và rất khó chịu, đã từng nghĩ đến việc sa thải cô ta. Nhưng nếu làm vậy thì quá đơn giản. Vấn đề là làm sao vẫn trọng dụng được một người có năng lực như cô ấy nhưng không để tái diễn những hành vi coi thường sếp”, anh Thanh nói.
Nhiều nhà quản lý bị stress khi gặp phải những nhân viên luôn “cãi chày cãi cối” mỗi khi sếp trao đổi công việc. Khổ nỗi, các vị không thể sa thải vì hầu hết họ đều là người có năng lực.

Anh Thanh, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM cho biết, từ khi Hà, du học bên Mỹ về được nhận vào cơ quan làm việc thì mọi cứ rối tung rối mù. Gắn chiếc mác du học, cộng thêm việc quá tự tin vào khả năng của mình, cô nàng thường nhìn các đồng nghiệp khác với ánh mắt coi thường.
Chuyện chưa dừng ở đó. Sếp Thanh nhiều lần còn bị “bẽ mặt” trước những nhân viên khác khi cô này không chịu nghe lời sếp. Luôn nằng nặc cho mình là đúng, mỗi lần nói chuyện tay đôi với sếp, cô không ngại bác bỏ chỉ đạo của sếp và đưa ra đủ lý do. Nào là em đã từng làm việc này ở công ty kia, tập đoàn nọ, em tin tưởng vào những gì mình nêu ra là đúng, em nghĩ cần phải làm theo cách này mới tốt … để buộc sếp Thanh chấp nhận quan điểm của mình.
“Nhiều lần tôi cảm thấy bị xúc phạm và rất khó chịu, đã từng nghĩ đến việc sa thải cô ta. Nhưng nếu làm vậy thì quá đơn giản. Vấn đề là làm sao vẫn trọng dụng được một người có năng lực như cô ấy nhưng không để tái diễn những hành vi coi thường sếp”, anh Thanh nói.
Vị giám đốc này quyết tâm lên kế hoạch “thu phục” cô nhân viên cứng đầu thông qua việc trò chuyện, tạo cảm giác tin cậy bằng những lời nói nhẹ nhàng, gần gũi. Nhưng trường hợp nào cần rắn, ông cũng tỏ ra rất cương quyết. Dần dà, sếp Thanh đã khiến Hà trở nên hòa đồng, giảm bớt thói kiêu kì không cần thiết.
Công ty mới vừa đi vào hoạt động nên hàng trăm công việc đều cần giám đốc phải giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất vẫn là nhân sự. Sếp Minh, giám đốc công ty nhiều lần thở dài ngao ngán mỗi khi phải xử lý nhân viên mắc lỗi. “Mình gọi vào phòng họp nhắc nhở nhưng anh chàng cứ trợn mắt lên nhìn và cãi tay đôi. Vừa bực vừa giận nhưng không thể cho cậu ta nghỉ việc vì với mức lương hiện tại, công ty khó tìm ra nhân viên có năng lực như cậu này”, ông Minh chia sẻ.
Chính vì vậy, anh Minh đã cho cậu nhân viên trên thêm cơ hội để cải thiện thái độ. Nhắc nhở lần đầu trong phòng họp; tái phạm lần hai sẽ cho một biên bản cảnh cáo. Và lần cuối nếu vẫn không thay đổi thì mời tự nộp đơn nghỉ việc. Thế nhưng, chỉ tới lần hai thì nhân viên này đã trở nên “ngoan ngoãn” hơn nhiều.
Giám đốc Minh nghiệm ra một điều rằng, bao giờ “ngựa non cũng háu đá”, quan trọng là thái độ và cách nói chuyện của người làm sếp phải hết sức giữ bình tĩnh. Lời nói thì phải có lý lẽ và xuất phát bằng tình cảm, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người tiếp nhận. Đặc biệt là phải cho nhân viên cứng đầu đó có cơ hội để được điều chỉnh thái độ trước khi quyết định loại bỏ họ.
Còn sếp Xuân, Trưởng ban kinh tế của một tờ báo lớn nhiều lần đã bị stress sau những trận đụng độ nảy lửa với phóng viên. Trong các lần trao đổi đề tài, Lan – phóng viên mảng kinh tế do chị Xuân phụ trách, luôn lên tiếng bác bỏ những gợi ý của sếp đưa ra bằng những giọng điệu khá gay gắt. Thậm chí, khi chị góp ý về một bài viết, Lan cũng chẳng nể nang gì bằng việc phớt lờ hoặc cãi bay.
Có lần, Xuân giao đề tài cho Lan và đang say sưa vạch ra các hướng triển khai thì cô phóng viên này nói luôn rằng những vấn đề này không có gì đáng quan tâm. Cảm giác bị coi thường, sếp Xuân đã quát ầm ĩ làm náo động cả tòa soạn. Sau trận đấy, Lan vẫn chứng nào tật nấy, không hề thay đổi.
Không ít lần Xuân ngao ngán và thốt lên rằng, công việc không làm chị bị stress, nhưng các cuộc đụng độ với cấp dưới như thế lại khiến chị quá mệt mỏi. Nhiều lúc Xuân muốn buông xuôi tất cả để mặc phóng viên đó làm gì thì làm, nhưng vì trách nhiệm công việc, chị không cho phép mình làm thế. “Khổ nổi lại không thể cho Lan nghỉ việc vì cô ấy là một phóng viên lâu năm và là cây bút trụ cột của ban”, Trưởng ban này chua chát nói.
Một Giám đốc nhân sự có thâm niên nhận xét, đa phần những nhân viên bướng bỉnh thường là người có năng lực nên không thể dễ dàng đưa ra quyết định sa thải họ. Để đối phó với những nhân viên cứng đầu, các nhà quản trị cần uốn nắn dần dần để đưa họ vào những khuôn khổ cần thiết. Các sếp hãy trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng, cho phép họ phát triển các khả năng của mình và khi đó họ sẽ biết quý công việc và vị trí đang có của mình. Nếu bất khả kháng, có thể dứt khoát cho họ ra đi, không nên nuối tiếc.
“Làm lãnh đạo, các sếp cần phải hiểu rằng, muốn thành công phải gây dựng cả một tập thể chứ không chỉ dựa vào một nhân viên, dù họ có tài giỏi đến mức nào”, vị này nhấn mạnh.

Theo tintuconline