Quan hệ sếp mới – lính cũ

Thay đổi công ty, không chỉ nhân viên mà cả sếp cũng lạ lẫm với môi trường làm việc mới. Chưa kể họ còn bị nhân viên cũ “nắn gân” hoặc không tuân phục
Không phải sếp nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua “cửa ải” của đám lính cũ, nhất là những người đã làm việc lâu năm trong công ty. Cộng đồng nhân viên văn phòng Motibee.com đã sàng lọc ra 5 khó khăn mà sếp mới có thể gặp phải cùng với các giải pháp để hóa giải.


1. Không vượt qua được cái bóng của sếp cũ
Có thể người tiền nhiệm là một tài năng và đã chiếm được trọn vẹn cảm tình cũng như sự nể trọng của những người ở lại, hoặc đơn giản chỉ do họ đã gắn bó khá lâu với cả đội ngũ cũ.
E rằng với lý do nào bạn cũng khó “lật đổ tượng đài” vị sếp cũ. Hãy khéo léo gây ấn tượng ban đầu thật tốt với nhân viên cũ.
Chẳng hạn có thể nói: “Tôi từng làm việc 5 năm ở một đại lý quảng cáo của nước ngoài, 6 năm ở một tập đoàn hàng tiêu dùng cũng ở vị trí trưởng phòng marketing và sau khi xây dựng thành công thương hiệu A thì tôi quyết định ra đi tìm sự thử thách mới.
Tuy nhiên, môi trường mới tất nhiên sẽ có những điều mới mẻ nên không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, rất mong các bạn sẽ hỗ trợ tôi” – một lời giới thiệu không quá phô trương, nhưng nói lên thành tích, kinh nghiệm và biểu lộ sự khiêm tốn nhất định.
Điều tối kỵ là công kích, chê bai vị sếp cũ và đề cao mình. Làm vậy chỉ khiến nhân viên cũ coi bạn là người thích kèn cựa với người khác, chứ chẳng nể trọng bạn hơn như bạn nghĩ.

2. Nhân viên có tâm lý “lợi thế của người cũ”
Với lợi thế am hiểu công ty, sản phẩm, quy trình sản xuất…, nhiều nhân viên, nhất là những nhân viên kỳ cựu trong công ty, tìm cách lấn lướt người mới. Bạn nên khéo léo, thân thiện khi giao tiếp với họ, nhưng phải tỏ ra cứng rắn trong các buổi họp.
Bạn có thể gây cảm tình với họ bằng thái độ vui vẻ, hòa nhã, nhưng trong email, cuộc họp, hãy tỏ ra quyết đoán và nghiêm túc. Hãy nhắc nhở những cá nhân chưa hoàn thành công việc, đưa ra những thời hạn cụ thể phải hoàn thành.
Một điều không thể thiếu, đó là bạn cần dành thời gian nghiên cứu thật kỹ hồ sơ cũ, nắm rõ sản phẩm và quy trình làm việc cũ. Có như vậy bạn mới thuyết phục được mọi người chấp nhận thay đổi những điểm chưa ổn, giúp họ thấy được tính cấp thiết của việc cải tiến.

3. Nhân viên thường nghĩ sếp mới không phải là chuyên gia
Bước sang một lĩnh vực mới, bạn sẽ dễ bị nhân viên đánh giá là người “không có chuyên môn” về lĩnh vực này, từ đó dẫn đến các phản ứng chống đối.
Hãy dành thật nhiều thời gian nghiên cứu sản phẩm, tìm hiểu thị trường và các đối thủ cạnh tranh để có được kiến thức hoàn hảo nhất nhằm khẳng định với nhân viên bạn không phải là dân “tay ngang”.
Trường hợp anh Nghĩa, Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty bán máy móc thiết bị công nghiệp là một ví dụ. Trước khi về công ty này, anh làm việc ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, thế nên các nhân viên cũ tỏ ra không tin tưởng khả năng và kinh nghiệm của anh. Họ cho rằng, thiết bị công nghiệp là một lĩnh vực rất đặc thù, một người chuyên bán hàng tiêu dùng như anh làm sao thích ứng được.
Tuy nhiên, vốn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, nên việc nắm các thông số, chủng loại máy móc không khó đối với anh. Khi cùng nhân viên làm việc với khách hàng, anh đã khiến nhân viên bị thuyết phục bởi cách bán hàng chuyên nghiệp của mình. Từ đó nhân viên tâm phục khẩu phục anh hoàn toàn.

4. Nhân viên cho rằng họ sắp có thêm việc phải làm
Những người lãnh đạo thường ít muốn thừa kế những gì của người cũ, và họ có xu hướng muốn cải cách tất cả, từ quy trình đến nội dung công việc. Nhân viên cũ cảm thấy mọi thứ bị đảo lộn, thấy bị sếp mới “làm khổ” do phải làm thêm nhiều việc mới.
Hãy thu phục họ bằng cách chỉ cho họ thấy những quyền lợi họ có thể nhận được, chẳng hạn như: kiến thức thông qua các buổi tập huấn, cơ hội rèn luyện với thử thách mới, cơ hội thăng tiến, tăng lương, tăng hoa hồng…
Bạn không nên quá nóng vội với những thay đổi, cải cách, mà hãy gầy dựng uy tín dần dần qua những cải tiến nho nhỏ, một vài thành công bước đầu sẽ làm đòn bẩy cho bạn, giúp bạn tạo được lòng tin với nhân viên cũ và cả công ty. Lúc đó bạn bắt đầu trình bày hàng loạt sáng kiến của mình cũng chưa muộn và chắc chắn nhân viên cũ sẽ ủng hộ bạn.

5. Nhân viên nghĩ họ không còn cơ hội tiến thân
Sẽ có thể có một vài người trong số nhân viên cũ nghĩ rằng họ sẽ được cất nhắc lên làm quản lý khi sếp cũ ra đi, nhưng khi bạn được tuyển vào, họ thấy tiêu tan hy vọng.
Bạn hãy “vỗ về” họ bằng cách cho họ thấy con đường thăng tiến của họ vẫn còn phía trước nếu họ “phò tá” bạn làm cho cả bộ phận mạnh lên.
Đừng ngại khen ngợi họ trước mặt các nhân viên khác và nếu cần, hãy đề xuất tăng lương cho họ, hoặc đề bạt họ vào một chức vụ nào đó để họ tự tin vào tiềm năng phát triển của bản thân.
Với vai trò là một người quản lý, bạn cũng cần chia sẻ với nhân viên cũ niềm tin của mình vào tiền đồ tươi sáng của công ty. Họ chỉ tin tưởng vào con đường bạn đã vạch ra cho đội nhóm của mình và dốc sức vì bạn khi họ cảm thấy được yên ổn và an toàn.

Theo doanhnhanvang