“Nóng” cùng dịch vụ đặt hàng quốc tế

Đáp ứng nhu cầu mua hàng nước ngoài ngày càng nhiều của giới tiêu dùng Việt Nam thời gian gần đây, dịch vụ đặt hàng quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Thị trường rộng, lợi nhuận lớn
Xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, dịch vụ đặt hàng quốc tế đang thu hút nhiều người tham gia.
Dạo một vòng qua các diễn đàn online lớn như lamchame, webtretho, muare, 5s hay tinhte…chủ đề “dịch vụ đặt hàng quốc tế” mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng trăm người trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng. Những quốc gia nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa như Anh, Mỹ, Đức, Canada, Úc…được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để đặt hàng. Và những món hàng được đặt mua nhiều nhất thường là: quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, đồ cho trẻ và đồ công nghệ cao như điện thoại, máy ảnh, thuốc ngoại.
Dịch vụ đặt hàng quốc tế khá dễ làm, thông thường chỉ cần 2 người phân công ở 2 khu vực thị trường là có thể hoạt động khá tốt. Đa số khách hàng thường đặt mua trên các trang online. Khi có nhu cầu mua, khách hàng sẽ gửi đường link sản phẩm hoặc mô tả chi tiết sản phẩm đó cho người làm dịch vụ đặt hàng. Sau đó những người này sẽ tìm đến nơi bán và tìm hiểu một số thông tin, tiến hành tính giá vận chuyển và báo giá về cho khách hàng. Nếu vừa ý, khách hàng đặt cọc chi phí trước, thông thường từ 50-70% và đợi phía dịch vụ đặt hàng gửi về.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ đặt hàng quốc tế qua trung gian bởi thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Chị Nguyễn Thanh Vân (Hoàng Mai – Hà Nội), một khách hàng thường xuyên đặt hàng quốc tế trên diễn đàn lamchame chia sẻ: “Mình lựa chọn dịch vụ đặt hàng trung gian vì họ làm rất nhanh và chuyên nghiệp. Chỉ cần đặt hàng rồi đợi 1 đến 3 tuần là có thể nhận hàng. Nếu tự bản thân mình lên web đặt sẽ rất khó khăn trong vấn đề thẻ tín dụng và kê khai hải quan”.
Công thức tính tiền ship được các trang web áp dụng gần như nhau và tùy theo từng mặt hàng. Toàn bộ chi phí dịch vụ để ship một đơn hàng về Việt Nam bao gồm 5 khoản: giá sản phẩm, thuế, phí vận chuyển, phí mua hàng và dịch vụ vận chuyển. Trong đó, giá sản phẩm là mức giá được đăng trên web, phí mua hàng được tính từ 3-10% giá của sản phẩm tùy loại hàng. 
Chị Phạm Thị Hiên, chuyên nhận ship hàng Mỹ về Việt Nam, cho biết thường một đơn hàng là chiếc túi xách có giá khoảng 400 USD, tính toàn bộ chi phí khoảng 540USD, như vậy chi phí cho dịch vụ ship hàng là 140USD. Trừ hết các khoản thuế, phí vận chuyển, đóng gói, chị kiếm được khoảng từ 15-20 USD/đơn hàng. Một ngày chị có trung bình từ 2-3 đơn. Loại hình kinh doanh này mang lại cho chị thu nhập 700-9.000 USD. Vào những ngày lễ Tết, con số này còn cao hơn nhiều. 
Những rủi ro khó tránh
Dịch vụ đặt hàng quốc tế khá hấp dẫn nhưng đi kèm với nó là những rủi ro khó tránh cho cả người làm dịch vụ và những “thượng đế”.
Đối với người làm dịch vụ đăt hàng, họ cần phải có một địa chỉ cố định ở nước ngoài để thuận tiện cho việc đăng ký mua hàng, gửi hàng, tránh tình trạng lừa đảo. Để giảm chi phí vận chuyển về nước, các công ty dịch vụ thường gom nhiều mặt hàng lại và đóng gói lớn, sau đó mới gửi về. Dịch vụ này, hàng hóa được chuyển về tận nhà, hạn chế được tình trạng mất, thất lạc.
Tuy nhiên hàng hóa được đặt thường được vận chuyển qua đường hàng không hoặc đường biển, sẽ không tránh khỏi trường hợp hàng hóa bị hư hỏng hoặc mất trắng khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dù các hàng vận chuyển về đều có mã, có đóng kiện rõ ràng song sự cố này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính nằm ở khâu vận chuyển và bảo quản hàng hóa của các công ty nhận dịch vụ giao hàng. Tuy những người làm dịch vụ ship không có lỗi trong khâu này, nhưng ít nhiều vẫn bị mất lòng đối với khách. Nguyên nhân nữa là một số đơn hàng được nhận về bị phản hồi không đúng với kích thước đã đặt, đặc biệt các mặt hàng áo quần, giày dép. Chuyện này đã trở thành “cơm bữa” đối với dịch vụ đặc hàng quốc tế bởi cách thiết kế, quy định size sản phẩm của thị trường các nước khác nhau. 
Chị Nguyễn Thu Huyền, chuyên đặt hàng từ Đức về Việt Nam chia sẻ: “Làm trong nghề mới biết cảm giác đợi hàng về đến nơi an toàn nghẹt thở như thế nào. Có lần hàng có mình bị thất lạc, làm lỡ đồ của rất nhiều khách. Mình phải gọi điện giải thích và xin lỗi từng người một”.
Hiện nay, hầu hết khách hàng muốn đặt hàng quốc tế đều phải đặt cọc 50-70%, có chỗ bắt buộc phải đặt 100%. Như vậy chính các thượng đế cũng đang gặp rất nhiều rủi ro. Vì mua hàng trên mạng, người tiêu dùng không thể tận mắt tận tay nhìn thấy sản phẩm, nên việc quần áo rộng chật, mỹ phẩm không đúng màu, đúng mùi là điều rất bình thường. Chưa kể đến việc không thể trả lại hàng vì nhiều cửa hàng ở nước ngoài có quy định không trả lại hàng sau thời gian 3-5 ngày tính từ ngày mau. 
Chưa kể đến, với lý do phải trả phí quy đổi, tỷ giá ngoại tệ quy đổi bị các trung gian tính cao hơn tỷ giá ngân hàng từ 600-1000 đồng/ đơn vị ngoại tệ. Do vậy, nếu mua hàng với số lượng lớn, khách hàng sẽ bị thiệt thêm một khoản đáng kể. Song song với đó, vẫn có nhiều bất cập trong dịch vụ đặt hàng quốc tế. Một số đối tượng lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo và phổ biến chiếm dụng tiền đặt cọc của khách hàng rồi im luôn. Do đó khách hàng cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ khi quyết định đặt hàng quốc tế qua trung gian.

Theo hoclamgiau