Trong mấy tháng qua, cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay tín chấp “dưới chuẩn” và sự đóng băng của thị trường địa ốc Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này phải hứng chịu hàng loạt tác động tiêu cực.
Ảnh minh họa
Hầu hết các tập đoàn tài chính lớn ở Phố Wall phải “ngậm ngùi” chứng kiến cảnh cổ phiếu của mình rớt giá thảm bại và liên tục công bố những khoản thua lỗ khổng lồ.
Cùng với đó, nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các “đại gia” tài chính này cũng đã mất việc. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng tín dụng chỉ đóng vai trò “cú hích cuối cùng” dẫn tới sự ra đi của họ.
Đằng sau đó, là cả những câu chuyện dài.
Cựu CEO của Merrill Lynch: Người tài cô độc
Khoản thâm hụt tài sản kỷ lục 8,4 tỷ USD chưa từng có trong suốt lịch sử 93 năm của Merrill Lynch được coi là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy CEO E.Stanley O’Neal ra khỏi tập đoàn tài chính này hôm 30/10 năm ngoái. Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian 6 năm O’Neal ở “ngôi cao” trong Merrill Lynch, đã có không ít những dấu hiệu báo trước sự ra đi “không kèn trống” này của ông.
Mặc dù đã làm việc trong ngành tài chính – một lĩnh vực rất cần đến các mối quan hệ – được 20 năm, O’Neal vẫn nổi tiếng là một người có ít “chiến hữu” làm ăn. Những người từng làm việc với cựu CEO này đều có nhận xét chung rằng, ông là một người lạnh lùng và tính toán.
Có biệt tài về quản trị rủi ro, O’Neal đã đưa Merrill Lynch vào nhiều phi vụ làm ăn mạo hiểm và gặt hái được không ít thành công. Năm 2006, Merrill Lynch đã thu được khoản lợi nhuận lên tới 7 tỷ USD, so với con số 2,2 tỷ USD vào năm 2002, khi O’Neal mới “lên ngôi”. Quý 2 năm ngoái, ngay trước khi bóng đen khủng hoảng tín dụng bao phủ nước Mỹ, doanh thu của Merrill Lynch tiếp tục gây ấn tượng mạnh với mức tăng 201% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, với tính cách cứng và lạnh của mình, lại ở trong một doanh nghiệp vốn đề cao văn hóa tập thể, O’Neal dường như bị cô lập. Bởi thế, trong những cuộc đấu đá quyền lực không khoan nhượng giữa nội bộ ban lãnh đạo tập đoàn, ông hoàn toàn bị yếu thế.
“Kết cục buồn của O’Neal một phần do thất bại của ông trong việc xây dựng một đội ngũ nhân viên thân thiết, những người đứng về phía ông, bảo vệ ông. Đây chính là hậu quả của việc O’Neal từng “mạnh tay” sa thải một số lượng lớn nhân viên, trong đó có nhiều người ủng hộ ông. Nhờ đó, những kẻ không cùng vây cánh càng có cơ hội truy kích ông”, một nhà quan sát nhận định.
Hoạt động truyền thống của Merrill Lynch là môi giới chứng khoán nhưng O’Neal đã liều lĩnh đưa tập đoàn này tiến vào hàng loạt lĩnh vực mới, đặc biệt là cho vay tín dụng với số tiền khổng lồ. Khi cơn bão tín dụng ập tới, số lượng khách hàng vỡ nợ và không có khả năng chi trả tăng vùn vụt, Merill Lynch phải đối mặt với một cú sốc lớn.
Trong nỗ lực cứu vãn tập đoàn khỏi tình cảnh thua lỗ trầm trọng, O’Neal đề xuất việc sáp nhập Merrill Lynch với Wachovia, ngân hàng lớn thứ 4 của Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng này không thành công, khiến O’Neal càng thêm mất điểm trước ban lãnh đạo. Lúc này, nhược điểm trong tính cách của O’Neal ngay lập tức trở thành điểm yếu “chết người”.
Một mình đối mặt với hoạn nạn, không có ai trợ giúp, sự ra đi của O’Neal là tất yếu. Điều “an ủi” cho cựu CEO này may chăng là gói bồi thường thôi việc trị giá 161 triệu USD.
Cựu CEO của Citigroup: Khi không còn “cái ô”
“Xách vali” ra khỏi Citigroup hôm 4/11 năm ngoái, tức là chỉ sau sự từ chức của O’Neal chưa đầy một tuần, chính là CEO của tập đoàn này – Charles Prince.
Việc Prince bị “bật” ra khỏi tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới này cũng có nguyên nhân trực tiếp từ tình hình làm ăn thua lỗ do tác động từ cuộc khủng hoảng tín dụng. Báo cáo tài chính của Citigroup cho thấy, tập đoàn này phải gánh một khoản thâm hụt tài sản 6,5 tỷ USD trong quý 3 năm ngoái và khoản thâm hụt đáng sợ này còn được bổ sung thêm những 18 tỷ USD nữa trong quý 4.
Tuy nhiên, giống như O’Neal, nguyên nhân sâu xa khiến Prince phải ra đi cũng không phải là những khoản nợ khó đòi mà xuất phát ở chính cách xây dựng quan hệ trong doanh nghiệp của cựu CEO này.
Làm việc tại Citigroup gần 30 năm, Prince đã nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của tập đoàn này từ năm 2003 và trong khoảng thời gian này, các cổ đông của Citigroup luôn phàn nàn về lối lãnh đạo kiểu phe cánh, ô dù của ông. Trong đó, không thể không kể đến hai “cái ô lớn” là Hoàng tử Walid bin Talal của Saudi Arabia, cổ đông lớn nhất của Citigroup và Sanford Weill, một cổ đông khác, người cũng từng giữ chức CEO và có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tập đoàn.
Trước đây, Prince từng là luật sư và một người bạn thân thiết của Weill và Weill đã chọn Prince làm người kế nhiệm. Theo nhận xét của nhiều người, Prince luôn là cái bóng của Weill và vì thế, không xây dựng được quan hệ tốt với những đồng sự khác.
Tuy nhiên, trong 1 năm trở lại đây mối quan hệ giữa Prince và Weill đã ngày càng nguội lạnh. Weill cho rằng, Prince đã đổ lỗi cho mình gây ra quá nhiều vấn đề của Citigroup. Việc Prince đuổi việc nhiều nhân vật thân tín của Weill cũng khiến Weill nổi giận.
Tuy nhiên, tình hình tài chính tồi tệ của tập đoàn dưới sự lãnh đạo của Prince mới là yếu tố khiến Weill bất bình hơn cả. Nhiệm kỳ của Prince tại Citigroup được ghi nhớ bởi kết quả kinh doanh đáng buồn, chi phí tăng vọt và những khoản lỗ không ngừng leo thang do cựu CEO này cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay cầm cố nhưng lại tỏ ra rất yếu kém trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Tính ra, trong thời kỳ Prince cầm quyền, cổ phiếu của tập đoàn không hề tăng giá mà tệ hơn, còn mất giá tới 1/5.
Cầu nối giữa Prince và Hoàng tử Walid bin Talal cũng chính là Weill vì từ lâu, Weill đã có mối quan hệ hết sức mật thiết với vị Hoàng tử này, người đã cứu Citigroup khỏi tình cảnh nguy khốn vào đầu thập niên 1990 và sau đó nắm giữ 3,6% cổ phần của tập đoàn. Với sự hậu thuẫn của hai nhân vật này, Prince dường như chẳng cần cố công tạo dựng quan hệ tốt với ai nữa.
Tuy nhiên, năm ngoái, mối quan hệ giữa Prince và Hoàng tử Walid cũng có dấu hiệu đi xuống khi Hoàng tử này công khai chỉ trích Prince vì để cho chi phí tăng mạnh, khiến sau đó Citigroup phải sa thải 17.000 nhân viên. Và Prince đã không thể cứu vãn được mối quan hệ này khi những con số về thua lỗ chồng chất của tập đoàn được công bố như đã nói ở trên.
Không còn “ô”, không còn ai ủng hộ, việc Prince phải rời Citiroup là đương nhiên. Nhưng dù sao, ông cũng được hưởng gói trợ cấp thôi việc hơn 40 triệu USD.