Kiến thức quản trị Nghiên cứu thị trường: Chọn mẫu hiệu quả

Nghiên cứu thị trường: Chọn mẫu hiệu quả

25
Trong công tác thu thập số liệu sơ cấp cho nghiên cứu thị trường, phương pháp khảo sát chọn mẫu hoặc khảo sát toàn bộ đều thích hợp để sử dụng. Tuy nhiên, do giới hạn về kinh phí, nguồn lực và thời gian, nên phương pháp điều tra chọn mẫu thường được sử dụng hơn.
Ảnh minh họa

Khảo sát chọn mẫu là loại khảo sát không toàn bộ, trong đó chúng ta chọn một số lượng đủ lớn các đại diện của toàn bộ thị trường để nghiên cứu, rồi dùng kết quả thu thập được tính toán, suy rộng thành các đặc điểm của tổng thể thị trường nghiên cứu.
Ưu điểm của khảo sát chọn mẫu là tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian nghiên cứu, cho phép thu thập được nhiều thông tin, đặc biệt đối với các thông tin có nội dung phức tạp, không có điều kiện điều tra toàn bộ.
Điều tra chọn mẫu được thực hiện trên một số lượng nhất định do vậy sẽ có thời gian để tiếp cận, thu thập thông tin trên một đơn vị điều tra được đầy đủ và cụ thể hơn, có thể kiểm tra được số liệu chặt chẽ hơn…, và như vậy số liệu thu thập được sẽ có độ tin cậy cao hơn.
Tuy nhiên điều tra chọn mẫu cũng có hạn chế là luôn tồn tại “sai số”, sai số chọn mẫu phụ thuộc rất lớn vào cỡ mẫu và phương pháp tổ chức chọn mẫu.
Do vậy, công tác tính toán cỡ mẫu và chọn mẫu phải được thực hiện theo cơ sở khoa học và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu thị trường, điều tra, khảo sát.
Tính cỡ mẫu: Việc tính cỡ mẫu cần được tính toán dựa theo các yếu tố sau:
• Tầm quan trọng của quyết định cần đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu.
• Độ phức tạp của hiện tượng nghiên cứu.
• Yêu cầu kỹ thuật của phân tích.
• Cỡ mẫu sử dụng trong các nghiên cứu tương tự.
• Tỷ lệ hoàn thành.
• Các điều kiện về nguồn lực, thời gian.
Một số cách thức/kỹ thuật chọn mẫu:
Chọn mẫu thuận tiện: Trong chọn mẫu theo các yếu tố thuận tiện, thông thường các đáp viên được lựa chọn vì họ đã ở đúng vị trí và vào cùng thời điểm. Ví dụ chọn các khách hàng tại siêu thị để khảo sát về hành vi tiêu dùng.
Chọn mẫu quả bóng tuyết: Một nhóm đáp viên ban đầu được lựa chọn (thường phương pháp ngẫu nhiên). Sau khi phỏng vấn, những đáp viên này được yêu cầu giới thiệu cho những người khác thuộc nhóm mục tiêu có hứng thú tham gia. Ví dụ nghiên cứu thị hiếu cho sản phẩm.
Chọn mẫu hạn mức: Theo cách này, phải xây dựng các yếu tố bắt buộc hay hạn mức với các phần tử trong tập hợp mẫu. Tính chất của mẫu được xác định dựa trên yếu tố thuận tiện, hoặc dựa vào sự đánh giá. Ví dụ chọn mẫu phải đảm bảo tỷ lệ nam/nữ theo tỷ lệ giới tính của khách hàng đối với một loại sản phẩm.
Chọn mẫu ngẫu nhiên: Đây là phương pháp chọn các đáp viên dựa trên quy luật xác suất (quu luật ngẫu nhiên). Cách đơn giản nhất của chọn mẫu ngẫu nhiên là sử dụng bảng số ngẫu nhiên hoặc dưới hình thức rút thăm. Trong điều tra chọn mẫu, chọn mẫu ngẫu nhiên là phương pháp chọn mẫu có sai số nhỏ trong điều kiện số lượng mẫu đủ lớn và có tính đồng nhất cao giữa các đơn vị trong tổng thể.
Chọn mẫu hệ thống: Chọn mẫu hệ thống là chọn từ các đơn vị trong tổng thể, với khoảng cách cố định. Các đơn vị điều tra được sắp xếp thứ tự theo một tiêu thức cụ thể. Ví dụ chọn mẫu các doanh nghiệp để điều tra cần có cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trung bình, doanh nghiệp lớn.
Một số cách thức chọn mẫu trên có thể được kết hợp với nhau để đáp ứng yêu cầu chọn mẫu của từng nghiên cứu cụ thể.
Việc tính toán cỡ mẫu và chọn mẫu đúng sẽ đảm bảo độ chính xác lớn nhất cho công tác nghiên cứu thị trường.
Kết hợp với quá trình thực hiện/giám sát điều tra chặt chẽ, đảm bảo chất lượng số liệu thu thập, và sử dụng các kỹ thuật phân tích số liệu sẽ mang lại các thông tin chính xác, hữu ích cho việc đánh giá thị trường, môi trường kinh doanh và cơ sở tin cậy để đưa ra các quyết định chính xác.

Theo NGUYỄN ĐỨC QUYỀN (Công ty Tư vấn quản lý OCD)