Đại hội cổ đông bất thường thông qua HĐQT mới đã được gần 3 tuần nhưng các lãnh đạo cũ mới cho đến nay vẫn chưa bàn giao xong công việc. Hai bên liên tục gửi thông báo và tiếp xúc trực tiếp nhưng chưa thành công.
Ảnh minh họa
Sáng 14/10, tại văn phòng Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Tài sản Việt Nam (VN Assets) – sảnh 2, Khán đài B, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội – đại diện cũ và mới của HĐQT đã gặp nhau để giải quyết vấn đề tranh chấp về con dấu và tài sản. Tuy nhiên, cuộc tiếp xúc đã bất thành.
Theo kế hoạch của HĐQT mới, được bầu ra tại Đại hội cổ đông bất thường của VN Assets hôm 25/9 (do Ban Kiểm soát công ty này triệu tập), sáng 14/10, HĐQT cũ do ông Lê Anh Tuấn làm chủ tịch sẽ buộc phải bàn giao lại tài sản và con dấu để DN đi vào hoạt động sau khi đã gửi thông báo lần 3 cho ông Tuấn vào ngày 9/10.
Tuy nhiên, kế hoạch thu lại tài sản và con dấu từ HĐQT và ban lãnh đạo cũ đã không thể thực hiện. Tại văn phòng VN Assets, cả 2 bên đều có quá nhiều người tham gia, bao gồm từ các đại diện lãnh đạo cũ mới, cổ đông, bảo vệ, công an…
Đại diện Ban quản lý Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình I đã yêu cầu các bên giải tán để tránh ảnh hưởng tới hoạt động của sân và yêu cầu đại diện 2 phía, bao gồm ông Lương Anh Cường – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty ATC – cổ đông lớn nắm giữ hơn 41% cổ phần VN Assets, cũng là Chủ tịch VN Assets, vừa được bầu tại Đại hội hôm 25/9 và ông Lê Anh Tuấn, cùng với đại diện Ban quản lý SVĐ họp riêng để giải quyết mâu thuẫn.
Ông Cường cho biết, Ban quản lý SVĐ sẽ cắt nước và điện tại khu vực của VN Assets tại sảnh B để hai bên giải quyết vụ việc. Vấn đề này đã được các bên đã thống nhất và ký thỏa thuận thực hiện. Tuy nhiên, phía ông Cường lo ngại sẽ khó cho Ban quản lý nếu ông Tuấn lợi dụng việc đang giữ con dấu để gây áp lực.
Mâu thuẫn bắt đầu từ khi nhóm cổ đông ATC cho rằng, VN Assets hoạt động không không minh bạch và yêu cầu triệu tập Đại hội cổ đông bất thường đề cử nhân sự thay thế ông Lê Anh Tuấn.
Ông Cường nhận xét, dưới sự chỉ đạo của ông Tuấn, việc kinh doanh của VN Assets không minh bạch, nhằm phục vụ mục đích cá nhân của ông Tuấn hơn là cho một tổ chức.
“Vì sao có đại hội bất thường? Là vì chúng tôi muốn thay một người như vậy. Làm ăn không minh bạch. Chuyện nhỏ không sáng tỏ, thì chuyện lớn như thế nào, xem xét kỹ vấn đề, không phải đấu đá tranh giành. Công ty từ lúc thành lập tới giờ rất khó khăn”, ông Cường bức xúc.
Tuy nhiên, trước đó, đại hội cổ đông hôm 28/8 dưới sự chủ tọa của ông Tuấn, đã bất thành. Lý do: ông Tuấn cố tình không đi vào trọng tâm nội dung đại hội, đặt vấn đề về tư cách của cổ đông ATC, xuất phát từ giao dịch mua bán cổ phiếu VN Assets của ATC từ đầu năm 2013. Nhưng điều nực cười ở chỗ: ATC chính là cổ đông đã cử ông Tuấn làm đại diện phần vốn, tham gia ứng cử các chức danh tại VN Assets.
Theo quy định, sau khi hoãn, đại hội phải được tổ chức lại tối đa không quá 3 ngày. Ban Kiểm soát sau đó đã đứng ra tổ chức đại hội. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Tuấn vẫn chưa bàn giao tài sản và con dấu. Ông Tuấn còn “tự khẳng định” rằng Đại hội hôm 25/9 là không hợp pháp và tiếp tục đặt vấn đề tư cách không hợp pháp của ATC.
Ở chiều ngược lại, ông Cường yêu cầu ông Tuấn ngay lập tức bàn giao lại tài sản và con dấu cho HĐQT mới do ông làm chủ tịch để DN đi vào hoạt động. Theo ông Cường, ngay sau khi Đại hội kết thúc, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 102/2010/NĐ – CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp thì Nghị quyết ĐHĐCĐ có hiệu lực ngay lập tức. Những cổ đông nào nghi ngờ về tính hợp pháp của Đại hội có thể giải quyết thông qua các cơ quan chức năng. Đến khi có phán quyết mới của Tòa án hoặc Trọng tài có thẩm quyền, các bên bắt buộc phải thi hành,
Một lần nữa, tầm quan trọng của con dấu, “ngọc tỷ” của doanh nghiệp lại làm đau đầu các cổ đông, các nhà quản lý doanh nghiệp. Hy vọng rằng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn hơn để giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp.
Theo VEF