Kiến thức quản trị “Tôi rất ấn tượng với tinh thần cầu tiến của doanh nhân...

“Tôi rất ấn tượng với tinh thần cầu tiến của doanh nhân Việt Nam”

22
Bà Yei Pheck Joo, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS), một trong số ít nữ doanh nhân ngoại đã gắn bó với trường chứng khoán Việt Nam khá lâu, đã có buổi chia sẻ với BizLIVE nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ảnh minh họa

“Tôi rất ấn tượng với tinh thần cầu tiến của doanh nhân Việt Nam”

Bà Yei Pheck Joo, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) – Ảnh: Huyền Trâm.
Tôi tham gia thị trường chứng khoán tại Malaysia từ năm 1989. Với Việt Nam tôi đã gắn bó được 6 năm và rất vui khi được làm việc tại đất nước các bạn.
Vậy chứng khoán có phải là lĩnh vực mà bà yêu thích khi còn trẻ?
Khi còn trẻ tôi không nghĩ mình sẽ tham gia thị trường chứng khoán mà mơ ước trở thành giáo viên hoặc một số ngành khác.
Sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi chờ đợi thi vào đại học tôi xin vào làm bán thời gian ở một công ty chứng khoán. Và trong khoảng thời gian làm việc tại đây bắt đầu tôi cảm thấy yêu thích lĩnh vực này và gắn bó với thị trường chứng khoán đến nay.
Đất nước của bà có ngày doanh nhân không?
Tại Malaysia không có ngày doanh nhân giống như tại Việt Nam mà chỉ có các buổi gặp gỡ vào dịp Giáng Sinh hay Tết.
Ấn tượng đầu tiên của bà khi làm việc tại Việt Nam?
Lần đầu tiên khi sang Việt Nam làm việc, lúc đó SBBS có khoảng 20 nhân viên và sau mỗi giờ làm việc hầu như nhân viên nào cũng đi học thêm. Tôi có hỏi họ tại sao các bạn làm việc cả ngày mà vẫn đi học thêm vào buổi tối trong khi đã có bằng đại học. Họ cho biết muốn bổ sung thêm kiến thức để có việc làm tốt hơn để có thêm tiền lo cho gia đình.
Điều này rất khác so với Malaysia bởi hầu hết đi học thêm để thăng tiến trong sự nghiệp trong khi người Việt thì lúc nào cũng xem trọng gia đình. Tôi rất cảm động về điều này và tôi luôn hỗ trợ cho những nhân viên của mình nếu họ muốn đi học thêm.
Theo bà văn hóa doanh nghiệp giữa Việt Nam và Malaysia có những điểm khác biệt nào?
Với doanh nghiệp tại Malaysia, chủ là chủ và nhân viên là nhân viên. Nếu họ có gặp khó khăn gì thì người chủ cũng sẽ không giúp đỡ mà họ phải tự xoay sở và nếu không thì phải tự nghỉ việc.
Trong khi mối quan hệ giữa người lãnh đạo và nhân viên trong một doanh nghiệp Việt rất gần gũi. Khi nhân viên gặp khó khăn thay vì sa thải, người chủ và nhân viên thường tìm ra giải pháp để họ có thể tiếp tục gắn bó với nhau, mặc dù doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài sự gần gũi với nhân viên, tôi rất ấn tượng với tinh thần cầu tiến của doanh nhân Việt Nam. Tôi thấy nhiều người đã bước sang tuổi 50 mà vẫn còn đi học, bổ sung kiến thức để mang lại lợi ích cho công ty.
Chia sẻ của bà khi Việt Nam sắp tới sẽ gia nhập sân chơi lớn?
Tôi nghĩ sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Hội nhập sẽ tạo cạnh tranh nhưng ở đây mang tính tích cực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Để cạnh tranh được thì các công ty cũng phải đầu tư nhiều hơn về con người, công nghệ thiết bị, nghiên cứu… Mặc dù ban đầu doanh nghiệp sẽ tốn chi phí nhưng về lâu dài điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhận định của bà về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 14 năm hoạt động?
Nếu ví thị trường chứng khoán như là một cái cây thì thị trường chứng khoán Việt tuy còn rất non trẻ nhưng nếu được chăm sóc, bón phân, tưới nước… thì tôi tin là sẽ phát triển to lớn và mang lại nhiều trái ngọt và thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất tiềm năng phát triển.

Theo Bizlive