Muốn ra biển lớn phải có nhân lực giỏi

Ông Trần Xuân Nam (ngồi giữa) cùng nhân viên quản lý trẻ trong giờ làm việc. Với ông, xây dựng đội ngũ nhân lực giỏi là một phần quan trọng của chiến lược phát triển doanh nghiệp 

Ảnh minh họa

Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn đạt 420 tỉ đồng, cao gấp đôi so với năm 2006. Cùng với doanh thu đạt được, Giấy Sài Gòn mở thêm Nhà máy Giấy Mỹ Xuân 2 (Bà Rịa – Vũng Tàu) với vốn đầu tư 110 triệu USD, công suất 230.000 tấn, dự kiến hoạt động vào năm 2009. Người góp phần tạo ra các chuỗi sự kiện, được đánh giá là bước đột phá của Giấy Sài Gòn là Tổng Giám đốc Trần Xuân Nam, một trong những CEO giỏi hiện nay của VN. 

Giải quyết bài toán về vốn 
Giữa năm 2006, Trần Xuân Nam về Giấy Sài Gòn. Đảm nhận vai trò tổng giám đốc, ông đã không khỏi trăn trở cho bài toán về thiếu hụt vốn của công ty. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong các công ty trong và ngoài nước như Unilever, Coca-Cola, VMEP, Kinh Đô…, tại thời điểm ấy, ông chưa nghĩ đến việc tăng quy mô công ty. Nhưng yêu cầu phát triển công ty khiến ông trăn trở. Ông quyết định bắt đầu từ việc phân tích thị trường, phân tích lợi thế cạnh tranh, đối thủ cạnh tranh… và nhận ra: Tổng cung của thị trường giấy ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng 55% nhu cầu. Chúng ta có lợi thế cạnh tranh về nhân lực, thiết bị, chi phí, tại sao lại không dám phát triển? Các công ty giấy như Nine Dragons, Lee&Man của Trung Quốc cũng từ cơ sở sản xuất gia đình đi lên mà chỉ sau 12 năm, đã có lãi từ 22%-28% trên tổng doanh thu… 
“Từ những phân tích trên, tôi quyết định tăng quy mô của công ty” – ông tâm sự. Ông đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi các quỹ đầu tư như Dentch Bank, Prudential, Bivim, VN Partners… góp vốn. Các quỹ đầu tư đã bị thuyết phục bởi một người điều hành bản lĩnh: Dám từ chối những điều kiện không hợp lý từ phía đối tác, đồng thời đưa ra những lợi ích khi đầu tư vào công ty bằng kế hoạch phát triển trong 3 năm tới. Cuối cùng, 4 quỹ đầu tư đồng ý rót vốn vào công ty. 

Tái cấu trúc nhân sự 
Khi đã có vốn, chiến lược phát triển công ty thành “công ty giấy số một Việt Nam” và công ty lớn của châu Á xem như đã đạt được 50%. Nhưng để công ty phát triển, nguồn nhân lực mới là yếu tố sống còn. Một chiến lược thay đổi, tái cấu trúc lại nhân sự được đặt ra bởi “muốn ra biển lớn phải có nhân lực giỏi”. 
Chính sách thu hút nhân lực được đưa ra nhằm thu hút người giỏi. Tận dụng mối quan hệ từ các đồng nghiệp, bạn bè, ông mời gọi nhân tài về công ty. Ngay sau đó, những vị trí như giám đốc nhân sự, giám đốc bán hàng, marketing là những người từ các công ty đa quốc gia được mời về. Tuy nhiên, với ông, như thế vẫn chưa đủ bởi thu hút thì rất dễ nhưng giữ nhân lực mới là điều khó. Một môi trường làm việc năng động được xây dựng tại công ty nhằm khuyến khích người giỏi trụ lại bằng chính sách khen thưởng cổ phiếu dựa trên chỉ tiêu, có hệ thống chấm điểm cân bằng (balance scorecard). 
Ông áp dụng chính sách quản trị nhân lực dài hạn với 4 tiêu chí: tài chính, sự hài lòng khách hàng, hoàn thiện các quy trình kinh doanh, học hỏi và sáng tạo. “Qua mô hình này, người không có năng lực phải nhường chỗ cho những ai đủ năng lực đảm đương công việc, bất kể người đó là ai”- ông nói. Ngay sau đó, hàng loạt các chương trình đào tạo trong và ngoài nước dành cho nhân viên được thiết kế, trong đó kể cả những chương trình học mới như MBA, chứng khoán… 

Xây dựng thương hiệu 
Có vốn, có nhân lực, chiến lược xuất khẩu giấy được tính đến. Nhưng muốn đạt được điều này, cần phải có công nghệ hiện đại. Tổng Giám đốc Trần Xuân Nam cho biết: “Ngay trong dự án đầu tư Nhà máy Giấy Mỹ Xuân 2, chúng tôi đã dành 75% trong tổng vốn 110 triệu USD đầu tư cho trang, thiết bị. Hàng loạt máy móc, công nghệ mới của Mỹ, châu Âu được nhập về”. Bên cạnh đó, công ty xúc tiến xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối trên 45.000 điểm trên 64 tỉnh, thành và xây dựng hệ thống thu mua giấy vụn với công suất 250 tấn/ngày (đáp ứng 70% nguyên liệu giấy của công ty). 
Dù đã mang lại những thành công nhất định nhưng với Trần Xuân Nam, mọi việc như chưa dừng lại. Nhiều dự án cùng với kế hoạch được ông đề ra: Trong 3 năm tới, Giấy Sài Gòn sẽ phát triển gấp 10 lần hiện nay; 5 năm tới, sẽ đạt mức tăng trưởng tối thiểu 70%. Ông nói: “Mình giống như người lèo lái con thuyền; khi có sóng to, gió lớn, phải làm sao đưa thuyền vượt qua”.