Đối phó với những nhân viên “chôm chỉa”

Với tư cách là người lãnh đạo, bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của nhân viên. Một trong những vấn đề nhạy cảm và khó xử lý nhất là chuyện nhân viên “trong vai”… những tên trộm. Hiện tượng nhân viên ăn cắp tiền của công ty dưới nhiều hình thức khác nhau không còn là thiểu số nữa, nó đang gây thiệt hại đến công ty và làm huỷ hoại đạo đức của nhân viên. Để chấm dứt tình trạng này thật sự là khó nhưng những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn ngăn chặn được tình trạng nhân viên ăn cắp vặt, bảo vệ của cải và tiền bạc của công ty. 

Ảnh minh họa

Những hình thức “chôm chỉa” phổ biến: 
• – Chôm chỉa hàng tồn kho của công ty 
• – Ăn cắp tiền mặt 
• – Mang đồ của công ty về nhà để sử dụng 
• – Khống số tiền vận chuyển trên hoá đơn so với thực tế 
• – Giả mạo hoặc giấu hoá đơn đi 
• – Giả vờ bị thương, bị ốm để đòi tiền bồi thường của công ty 
• – Khai khống tiền lương của nhân viên (phổ biến ở các sếp nhỏ) 
Cách ngăn chặn: 
• Cẩn thận trong công tác tuyển dụng: Trên thị trường lao động hiện nay có xuất hiện rất nhiều dịch vụ kiểm tra lý lịch của ứng viên. Hãy sử dụng dịch vụ này để bạn có thể hiểu rõ hơn về lai lịch cũng như tiền án tiền sự của ứng viên mà bạn dự định sẽ thuê. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông tin ứng viên bằng cách liên hệ với người quản lý trước kia của ứng viên. Bạn không nên đánh giá ứng viên bằng cảm tính. Hơn nữa, bằng cách đặt câu hỏi, bạn có thể kiểm tra sự thành thật và khả năng giao tiếp của ứng viên: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn phát hiện ra một đồng nghiệp của mình đang ăn cắp đồ?” 
• Thận trọng khi giao nhiệm vụ: Khi bạn giao việc cho một nhân viên đảm nhận nhiệm vụ cụ thể, rất dễ xảy ra tình trạng nhân viên khống số tiền trên hoá đơn hoặc gian lận trong việc chi tiêu. Vì vậy, bạn nên giao việc cho ít nhất 2 nhân viên cùng đảm nhận một nhiệm vụ. 2 người họ sẽ kiểm tra, giám sát công việc của nhau và họ sẽ có trách nhiệm với công việc của mình hơn. Từ đó, sẽ hạn chế được những gian lận tài chính do nhân viên gây ra. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải thường xuyên kiểm tra việc ghi chép sổ sách về các chi tiêu, tài chính do nhân viên báo cáo. Ngoài ra, bạn có thể thay phiên nhiệm vụ của nhân viên cho nhau 
• Hướng dẫn cho nhân viên hiểu những quy tắc: Bất cứ khi nào bạn giao công việc cho nhân viên, bạn nên đưa ra những hướng dẫn rõ ràng cho từng quy trình hoàn thành công việc, cách xử lý hàng hoá và các hoá đơn. Bạn cũng nên cung cấp các văn bản quy định, xử lý hiện tượng nhân viên có hành vi ăn cắp của công. Nếu bắt gặp nhân viên nào ăn cắp của công, họ có thể bị đuổi việc hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
• Cảnh giác: Đi sâu vào thực tế làm việc của nhân viên bằng cách thỉnh thoảng kiểm tra hàng hoá vận chuyển, hàng hoá trong kho, theo dõi sổ sách ghi chép kỹ lưỡng. Kiểm tra những thông tin mà nhân viên ghi trong sổ có chính xác, cập nhật và rõ ràng hay không. Hãy giảng giải cho nhân viên hiểu rõ những yêu cầu của bạn về cách ghi chép sổ sách. Ngoài ra, nếu bạn không có mặt ở văn phòng, những chiếc camera giám sát đặt ở vị trí bí mật sẽ giúp bạn kiểm tra mức độ thật thà của nhân viên.