Đào tạo Có nên ghét Sếp của bạn?

Có nên ghét Sếp của bạn?

79
Ghét sếp và nói xấu sếp không chỉ là “văn hóa công sở” của riêng dân Việt. Mở những tạp chí nước ngoài (đa phần dành cho phụ nữ), cứ dăm ba số lại thấy xuất hiện chủ đề “I hate my Boss!” (Tôi ghét sếp!). 

Ảnh minh họa

Năm nào cũng tua đi tua lại, nhưng lần nào độc giả cũng hưởng ứng nhiệt liệt và sung sướng. “Nói thế, chứ nói nữa cũng không đủ. Đúng là tạp chí đó hiểu mình!” 
Tâm lý “ghét sếp” có vẻ phổ biến trên toàn thế giới và trong mọi thời đại? Nhưng nói gì thì nói, “ghét sếp” chẳng ích lợi gì, cho “ông ấy” và đặc biệt cho mình. Cảm xúc âm tính đó chỉ “hủy diệt” lòng tin của lãnh đạo và lòng nhiệt tình với công việc mà thôi. 
Phải thừa nhận là trong rất nhiều trường hợp, chúng ta ghét một ai đó không hẳn vì họ đáng ghét mà vì ta không hiểu họ. Khi để tâm tìm hiểu với thiện ý thì rất nhiều điều hàng ngày chúng ta ca cẩm về họ là hoàn toàn… cảm tính và sai bét! 
Rất nhiều người, sau khi rời bỏ “thân phận” nhân viên lên làm quản lý, ngồi tâm sự với chiến hữu cũ lại thường nói: “Thực ra, ông/bà sếp đó cũng không đáng bị mình ghét như vậy. Bây giờ ngồi ở vị trí này, mới thấy họ phải làm như vậy vì không còn cách nào khác. Và họ cũng không bao giờ vô cảm, nhẫn tâm, phát xít… trước những nỗi niềm của nhân viên như trước đây mình kết án”. 
Hầu như, nhân viên không bao giờ ghét ông chủ, thậm chí rất nể sợ, mà chỉ “không ưa” người quản lý của mình vì ông ta hiếm khi va chạm với bạn. Họ chỉ thông qua đội ngũ giám đốc điều hành để quản lý và chỉ thị nhân viên. Sếp giám đốc thì là người kề vai sát cánh với bạn, đốc thúc và đánh giá bạn, kể cả giúp đỡ khi bạn cần. Bởi vậy, bạn luôn cảm thấy họ siết bạn trong cái vòng kim cô nghẹt thở, và là kẻ “Không làm gì ngoài gây bực bội cho người khác mà được hưởng lương cao”, “bao nhiêu việc mình nai lưng ra làm, còn công trạng nó lãnh hết”… 
Nhưng ngược lại, các ông chủ lại luôn ưu ái và bênh vực đội ngũ quản lý của mình, vì đó là vị trí “xương xẩu khó nuốt”. “Một cổ hai tròng”, trên là lãnh đạo, dưới là nhân viên, họ luôn phải động não để tìm ra một phương sách êm dịu, sao cho công việc trôi chảy mà không “o ép” nhân viên quá. Thế nhưng, thiện ý này hiếm khi được nhân viên ghi nhận. 
N. H. T, trưởng phòng bán hàng của một công ty truyền thông, tâm sự: “Thời gian mới lên chức, hầu như ngày nào mình cũng có chuyện để chui vào toa lét khóc, mà đa phần là do nhân viên. Mình mua hàng đống sách thuật quản trị về đọc, nhưng rồi cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu. Nhân viên thường nghĩ đến lợi ích và tự do của bản thân mà ít khi có cái nhìn có tầm khái quát hơn, đứng trên lợi ích chung mà đánh giá một sự việc, một con người. Trong khi đó, mình nhận lương của ai thì phải làm việc của người đó, đâu có thể “tiếp tay” với nhân viên mà gây náo loạn với ban giám đốc. Đương nhiên, trong những trường hợp quá mâu thuẫn giữa quyền lợi nhân viên và công ty, mình chọn cách đứng về lẽ phải. Vậy đó. Vậy mà còn bị ăn chửi tưng bừng”. 
Đúng là N.H.T đang nói lên một sự thật. Ở nhiều công ty có căn phòng trống cho nhân viên “trút xả bức xúc và những cảm xúc âm tính” bằng cách… phi tiêu vào hình ảnh các sếp trong công ty. Và có một thứ không bao giờ thay đổi: gương mặt các nhân vật quản lý lúc nào cũng… tan nát gấp nhiều lần gương mặt các ông chủ! 
Nói chung, nếu bạn là nhân viên, hãy thử đặt mình vào vị trí của sếp mà thương xót họ một tý và hợp tác với tinh thần tự nguyện, vui vẻ. Cấp quản lý luôn biết rõ bạn và họ cùng là những người đi làm thuê và chủ trương: “nhân viên không quậy sếp thì thôi chứ không đời nào sếp quậy nhân viên.” 
Còn nếu bạn là sếp thì bạn lại thường xuyên phải đóng hai vai. Đó là đặt mình vào vị trí lãnh đạo để hiểu vì sao họ lại đưa ra những chủ trương như vậy và đặt mình vào vị trí nhân viên để hiểu vì sao họ… ghét mình như vậy. Đó quả là một “vai diễn” khó khăn nhưng không ít thẳng lại mơ ước được “thế vai”. Và rồi hãy chấp nhận một sự thật không mấy vui là trong cuộc bầu chọn nhân vật tuyệt vời, người được nhân viên bầu hầu như không bao giờ là người của ban giám đốc bỏ phiếu. 
Thế đấy, thật khó để đi giữa hai luồng đạn mà không bao giờ bị trúng thương! (Với kinh nghiệm của một người đang làm quản lý, người viết xin chia sẻ với các bạn đồng cấp như vậy và gửi lời thỉnh cầu đến các bạn nhân viên). Chúc cho mối quan hệ của chúng ta ngày càng… đỡ tồi tệ!