Kiến thức quản trị Chuyên biệt hóa thị trường cho vay tiêu dùng: Thiệt trước, lợi...

Chuyên biệt hóa thị trường cho vay tiêu dùng: Thiệt trước, lợi sau?

16
Với Dự thảo lần 1 Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của Cty Tài chính trong đó có nội dung quy định NHTM muốn cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; Phát hành thẻ mua hàng thì “được lập Cty Tài chính” (Cty TC), đang nhận được nhiều quan điểm trái chiều của thị trường.
Ảnh minh họa

NHNN chỉ quy định các NHTM chỉ được cho vay tiêu dùng qua Cty TC ở ba nghiệp vụ nhỏ, còn lại các hoạt động cho vay tiêu dùng có chuẩn với các khoản vay tín dụng lớn như cho vay sửa chữa nhà ở, cho vay mua ô tô… thì các NH vẫn phát triển bình thường.

Trong Dự thảo, NHTM nào muốn thực hiện nghiệp vụ cho vay tiêu dùng phi chuẩn có chuẩn hay phi chuẩn thì đều phải theo quy định tại khoản 2 Điều 3, tức được (phải) thành lập Cty TC.
Nhà băng chưa sẵn sàng?
Nếu không có quy định mới như Dự thảo thì có lẽ sẽ chẳng có NHTM nào tính đẩy nghiệp vụ cho vay tiêu dùng ra khỏi kế hoạch hoạt động kinh doanh của mình, nhất là khi các NH đang ở giữa thời điểm chứng thực sự “xuống dốc” của tín dụng cho vay các tổ chức, DN – nghiệp vụ chính trước đây, mà nay, lối ra chính cho dòng vốn ứ đang đổi lại là cho vay tiêu dùng.
Thị trường hiện tại đang có 37 NHTM trong nước bao gồm cả 4 NHTM quốc doanh. Khảo sát của DĐDN cho thấy chỉ có 3 NH là có Cty TC với tỷ lệ 100% vốn sở hữu bao gồm hai NH vừa tiên phong mua lại Cty TC là HDBank và VPBank. NH có Cty TC còn lại và duy nhất trong số “tứ trụ” là Vietcombank, song Cty TC này tuy có lịch sử lâu đời từ năm 1978 lại phát triển ở thị trường Hồng Kông. Nói chính xác phần lớn các NH đã có Cty quản lí nợ và khai thác tài sản hay Cty cho thuê tài chính, thậm chí một số NH có Cty Chứng khoán, song mảng Cty TC thì lại hầu như bỏ ngỏ.
Mở lối tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Tuy không đến mức bị động vì Thông tư hiện nay chỉ mới là Dự thảo, nhưng rõ ràng số các NH được hưởng lợi nếu văn bản có hiệu lực là rất ít.
Nhưng khó khăn không đồng nghĩa các NHTM sẽ bị “bế quan tỏa cảng” cho vay tiêu dùng. Bởi việc thành lập Cty tài chính đã được một số các NH dự liệu. Tất nhiên, dự liệu là một chuyện, được thành lập mới hay không là chuyện khác. Vì quyền cấp phép không nằm ở chính các NH. Rồi từ thành lập mới đến xây dựng hạ tầng, đào tạo, phát triển nghiệp vụ tới tiếp cận thị trường… nếu được thành lập Cty tài chính mới, các NH cũng sẽ mất một thời gian dài. Cho dù muốn chuyển nhóm tín dụng tiêu dùng áp cho đối tượng phi chuẩn sang sang Cty TC mới, các NH cũng cần đào tạo nhân viên cho vay tiêu dùng phi chuẩn với một cách thức thẩm định chủ yếu dựa trên thẻ điểm tín dụng đánh giá khách hàng vay (hoàn toàn khác với việc dựa trên xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng vốn đang được phát triển ở các NH). Thời gian đào tạo đó và chạy demo Cty mới, so ra với việc nhận phát triển một Cty tài chính đã có guồng máy vận hành sẵn sàng, đằng nào có lợi – bài toán khá rõ.
“Lối ra” cho các DNNN
Từ cuối 2013 đến nay, khi HDBank hoàn tất thương vụ mua Viet – Societe Generale rồi đổi thành Cty Tài chính HDFinace và sau đó không lâu VPBank mua Cty tài chính Than – Khoáng sản VN, VN vẫn đang có 17 Cty tài chính. Trong số đó có 5 Cty có yếu tố vốn ngoại, 2 Cty được các ngân hàng mua lại, như vậy còn 10 Cty tài chính chưa “dính dáng” tới các NH (nếu không xét trường hợp các NH có ủy thác đầu tư vào các Cty TC này hoặc ngược lại các Cty TC có sở hữu qua ủy thác đầu tư hoặc sở hữu chéo tới tận các NH). 10 Cty tài chính đang thiếu NH thực tế đều có chủ sở hữu hoặc vốn góp từ các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước như Dệt May, Cao su, Bưu Điện, Tàu Thủy, Phát triển Nhà Hà Nội, Sông Đà, Xi măng, Điện lực, Hóa chất, Liên minh Vinaconex-Viettel. Hai ông lớn DNNN khác là Dầu khí và Than – Khoáng sản trước đó, đã “thoát” khỏi hai Cty tài chính là Tài chính Dầu khí và Tài chính Than – Khoáng sản, trong đó Tập đoàn Dầu khí vẫn đang “giữ nguyên hiện trạng” cổ phần tại PVFC, chỉ khác là CTy Tài chính này nay đã đổi thành PVComBank khi sáp nhập với WesternBank.
Thông tin mới nhất từ phía NHNN cho biết hiện đã có thêm 3 Cty TC có địa chỉ và đã được NHNN phê duyệt phương án là Cty TC Dệt May về với Maritime Bank, Cty TC Hóa chất về tay Techcombank và SHB sẽ nhận sáp nhập Tài chính Vinaconex-Viettel. Ngoài ra, 5 Cty TC vốn ngoại cũng đã được NHNN phê duyệt phương án tái cấu trúc (cùng 3 Cty cho thuê TC) nên không loại trừ cũng có địa chỉ NH “đặt hàng”. Đây là minh chứng cho “cửa thoát” của các DNNN trong đầu tư đa ngành tại các Cty TC, với sự chuyển hướng vào sang nhượng cho các NH, đang trở thành sóng lớn.
Theo nguồn tin của DĐDN, trong số 2 Cty TC đầu tiên được NH hoàn tất mua lại, đã có 1 Cty TC tiếp tục được chuyển nhượng ngay trong thời gian này. Nhà đầu tư được cho mua lại Cty TC này đến từ Nhật. Do đó cũng không loại trừ làn sóng thâu tóm các Cty TC và mua đi bán lại sẽ ngày càng mạnh hơn với sự tham gia của cả NH lẫn các đối tác đầu tư nước ngoài.
Trong làn sóng thoái vốn đầu tư đa ngành của các DNNN từ nay tới 2015, các DNNN chắc chắn sẽ phải thoái vốn khỏi các Cty Tài chính. Dự thảo phải chăng cũng tạo “lối ra” cho các DNNN và đồng thời đưa các tổ chức tín dụng phi NH vào đúng con đường thực hiện tái cơ cấu chặng cuối một cách ráo riết và hiệu quả nhất, theo đúng kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đề ra?

Theo dddn