Nhân sự vẫn là một vấn đề luôn luôn “hot” của mọi Cty. Có được người tài làm việc cho mình đã khó, giữ được những người tài này ở lại với mình cũng không dễ chút nào.
Ảnh minh họa
Các DN trong nước đang không ngừng khắc phục các vấn đề về nhân sự đồng thời đẩy mạnh việc săn lùng nguồn nhân lực cao cấp luôn khan hiếm. Nắm bắt được xu hướng, các Cty “săn đầu người” Việt Nam được thành lập và đang dần khẳng định chỗ đứng của mình qua việc hỗ trợ các DN trong và ngoài nước tìm ra đáp án cho bài toán khó về nhân sự này.
Từ cuối năm 2004, sự phát triển của Internet đã làm cho lĩnh vực hoạt động này càng phong phú hơn với trên dưới 30 Cty đang nỗ lực hoạt động để xác lập vị thế cũng như năng lực của mình trên thị trường. Sự tham gia của giới truyền thông với các chuyên trang việc làm của các báo trên mạng cũng như ngoài mạng càng làm cho xu hướng phát triển này trở nên rộn ràng hơn.
Netviet có thể được xem là Cty “săn đầu người” đầu tiên của Việt Nam thành lập tại TPHCM từ năm 2000, mở đường cho nhiều Cty khác tiếp bước. Hoạt động của các Cty “săn đầu người” đa dạng và thường được kết hợp với các lĩnh vực liên quan như huấn luyện đào tạo, tư vấn và cung cấp giải pháp, tổ chức nhân sự…
Ví dụ như Cty Markcom đã mở ra trang đấu giá jobilant.com để các DN trong và ngoài nước vào rao giá cho những vị trí nhân sự mà họ đang cần. Hầu hết các công việc được rao trên mạng đấu giá này là những vị trí kỹ thuật cao, chức danh quản lý cao cấp (quản lý dự án, giám đốc nhân sự và marketing…) và được “treo” lương khá hấp dẫn từ 12-15 triệu đồng/tháng.
Hay như Cty Guidea với trang web tuyển dụng vietnamHrlink.com được thành lập năm 2002 tại Hà Nội, với mục đích cung cấp các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tổng thể cho các DN, dịch vụ tuyển chọn nhân sự cao cấp trong và ngoài nước cho các tổ chức/DN tại Việt Nam. Với quy trình tuyển chọn nhân sự được giới thiệu là chuyên nghiệp và xây dựng một cách khoa học dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm của Guidea, Cty cam kết tuyển chọn những ứng viên đáp ứng đúng yêu cầu công việc mà DN đưa ra.
Việt Nam gia nhập WTO, thị trường mở rộng đem lại cơ hội phát triển cùng lúc với những khó khăn khi các Cty “săn đầu người” trong nước phải cạnh trạnh với các Cty cung cấp giải pháp nhân sự của nước ngoài. Dù sao, các Cty “săn đầu người” trong nước vẫn chiếm ưu thế nhờ sự hiểu biết sâu sắc hơn về con người và văn hóa ứng xử trước ứng viên cũng như các khách hàng trong nước.
Thách thức của các Cty “săn đầu người” hiện nay là làm sao có được một cơ sở dữ liệu chi tiết về các ứng viên cao cấp. Nhu cầu săn lùng nguồn nhân lực cao cấp đang trở nên vô cùng phức tạp và khó khăn, bởi lẽ hầu hết những người có tay nghề, chuyên môn, năng lực cao đều đã có chỗ làm ổn định với ưu đãi cao.
Các Cty “săn đầu người” phải tiếp cận và thuyết phục ra sao để những ứng viên sáng giá này chấp nhận rời bỏ môi trường làm việc đang tốt của họ, để chấp nhận thử thách trong một môi trường làm việc có thể là tuyệt vời và lý tưởng hơn.