Khi mới được nhận vào một nơi làm viêc ưng ý, đúng ngành học và có mức lương khá, bạn rất mừng và tự nhiên sợ lỡ mình làm điều gì đó sai ảnh hưởng đến công việc, mất chỗ làm ưng ý. Bạn tự đặt ra một kế hoạch để “bảo vệ mình” và thế là bạn đã mắc phải một sai lầm lớn ngáng trở sự thành công.
Ảnh minh họa
Vui vẻ, cố gắng để vừa lòng tất cả mọi người
Anh A. nhờ bạn dịch một tài liệu sang tiếng Anh gấp mà không phải là nhiệm vụ bạn được giao; chị B. nhờ bạn đánh máy một văn bản mà chính ra là việc của chị ấy. Thậm chí người nọ, người kia trong phòng biến bạn thành nhân viên sai vặt: ra bưu điện gửi công văn, thư từ, vào siêu thị mua hộ người nọ người kia những gì họ cần…
Bạn căng sức ra để làm vừa lòng tất cả mọi người để chiếm được cảm tình của họ, để được họ nhận xét tốt về mình. Và cuối cùng bạn chỉ còn trong ý nghĩ mọi người là “thạo những việc vặt”.
Cố không bộc lộ năng lực của mình để tránh sự đố kỵ
Lãnh đạo đang rất cần giúp một việc đúng chuyên môn của bạn mà bạn biết mình hoàn toàn có khả năng hoàn thành xuất sắc. Song bạn sợ những người khác sẽ nghĩ rằng bạn đang cố gắng thể hiện mình, bạn “chơi trội”, bạn muốn “vượt mặt” họ. Để rồi bạn sẽ nhận về mình sự đố kỵ, ganh ghét của mọi người và biết đâu chính điều này sẽ khiến bạn bị bật ra khỏi guồng máy của công ty, bị mất việc làm. Thế là bạn cố tỏ ra non nớt, ngô nghê trong công việc chuyên môn, để khỏi bị chú ý. Và cuối cùng cả sếp và các đồng nghiệp đều đánh giá năng lực bạn rất hạn chế.
Tránh tiếp xúc, gần gũi lãnh đạo để khỏi bị nghĩ là mình cơ hội, hãnh tiến
Bạn tránh tới mức bạn về công ty cả nửa năm trời, mà sếp vẫn không sao nhớ nổi khuôn mặt bạn mặc dù biết tên bạn. Để đến cuối cùng tên của bạn cũng chẳng gợi lên điều gì đối với sếp. Bạn trở thành “hàng tồn kho”, chẳng cần thiết gì cho công việc, cho công ty dưới con mắt sếp. Bạn làm sao mà thành công được khi để mình rơi vào tình trạng: “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”?
Không bao giờ bộc lộ chính kiến của mình trước một việc gì
Bạn cứ tưởng làm như vậy bạn sẽ không làm mất lòng ai, sẽ làm vừa lòng tất cả mọi người, bạn sẽ không có kẻ thù mà chỉ toàn người yêu quý bạn. Thật hết sức sai lầm! Với xã hội hiện đại, một người không có lập trường, thái độ, chính kiến rõ ràng trong mọi chuyện sẽ là người bị xem thường nhất, sẽ chẳng được ai nể phục và tôn trọng. Thử hỏi nếu bạn là người như vậy thì làm gì còn có cơ hội yên ổn và thăng tiến ở đó?
Cuối cùng là tự ti và buông xuôi tất cả
Sau khi vấp phải hàng loạt sai lầm khiến bạn trở thành “người thừa” ở nơi làm việc thì bạn đã không có ý chí mạnh mẽ để sửa chữa sai lầm mà lại tự ti, buông xuôi tất cả. Bạn thu mình vào cái vỏ ốc của chính mình, đi về như một cái bóng và tự thấy mình chẳng làm được tích sự gì.
Không tự học tập phấn đấu vươn lên, không trau dồi nâng cao nghiệp vụ và chấp nhận sự tụt hậu của mình. Đến lúc đó dù bạn có nhận ra sai lầm của mình thì cũng muộn mất rồi.