Có anh chàng làm chuyên viên ở cơ quan nọ, hễ gặp bạn là than vãn quá bận rộn, rằng mọi việc quan trọng đều do anh ta giải quyết, vắng anh thì tất cả sẽ rối tung. Nghe thế, nhiều người nghĩ, anh này chắc có tài và giữ chức cao lắm.
Ảnh minh họa
Thực tế thì trong cơ quan, anh ta được phân công theo dõi thi đua khen thưởng, đi theo lãnh đạo cơ quan và chưa làm được việc gì cho ra hồn.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều “bệnh” công sở mà không ít người mắc phải.
Thấy người sang bắt quàng làm họ
Đây là những người luôn tỏ ra mình quen biết, thân thiết lãnh đạo, những nhân vật quan trọng, coi đó là cách để nâng cao giá trị bản thân.
Hưng là trưởng phòng của một sở ở tỉnh. Gặp nhau lúc thì Hưng khoe hôm qua mới nhậu với vị giám đốc nọ, lúc bảo giám đốc kia mới đến nhà chơi. Khi nghe ai nói về một vị nào đó, anh luôn chứng minh vị đó quen biết hoặc thân thiết với mình.
Một lần nghe người quen nhắc đến vị lãnh đạo nọ, lập tức Hưng nói: “Tớ mới nhậu với ông ấy hôm qua”.
Sự thực thì vị đó đi công tác xa.
Lần khác, khi nghe anh bạn nói ngày mai sẽ gặp vị lãnh đạo một sở nọ để giải quyết việc riêng, Hưng sốt sắng: “Tưởng ai chứ tay ấy mình quá thân, mình mới nhậu với lão ấy hôm kia, có cần để mình dẫn đi”. Anh bạn suýt phì cười vì vị lãnh đạo ấy là nữ và không bao giờ nhấp một ngụm rượu.
Cho đến một lần, Hưng được mời dự tiệc tại nhà một cán bộ. Vừa đến nơi, anh đã oang oang với chủ nhà: “Này, thế tay chủ nhiệm của cậu hôm nay có đến không? Tớ thân với cha ấy lắm đấy! Có gì khó khăn cứ nói, tớ bảo một cái là xong ngay ấy mà”.
Không ngờ “cha” chủ nhiệm lúc ấy đang đứng ngay cạnh, nhìn Hưng từ đầu đến chân rồi thủng thẳng: “Chắc anh nhầm chứ hình như tôi chưa gặp anh lần nào!”.
Nịnh trên, nạt dưới
Đây cũng là kiểu người khá phổ biến trong công sở. Họ là những người với cấp dưới thì luôn nạt nộ, quát tháo, hống hách thậm chí chửi bới để ra oai, nhưng với cấp trên lại “nhũn như con chi chi”.
Một lần, anh Khoa (TP HCM) đến một cơ quan liên hệ công tác, gặp lúc vị cấp phó của một bộ phận đang đỏ mặt tía tai mắng nhân viên như tát nước. Lý do chỉ là cô gái khi dọn dẹp vô tình làm vỡ mất chiếc bình hoa.
Cuộc “tổng xỉ vả” đang lúc cao trào thì cấp trên đến. Lập tức, vị cấp phó kia thay đổi thái độ, quýnh quáng chạy ra bắt tay. Anh ta hai tay cứ xoa mãi vào nhau, dạ lấy dạ để, nom đến tội, thật khác hẳn thái độ lúc nãy.
Tìm hiểu mới biết, anh này chẳng tài cán gì nhưng biết khéo chiều lòng cấp trên, thuộc lòng ngày giỗ, chạp, sinh nhật của gia đình các sếp nên được cất nhắc. Vì vậy, anh em mới gọi anh ta là “công công”.
Đi muộn về sớm
Với họ, khái niệm “giờ hành chính” chỉ dành cho khách đến liên hệ. Buổi sáng quy định làm việc lúc 8 giờ nhưng có khi đến 9 giờ chưa thấy. Đến nơi còn đủng đỉnh làm mấy tuần trà và hơn 10 giờ thì đã “lặn không sủi tăm”.
14 giờ chiều họ đến cơ quan, việc đầu tiên là nghe ngóng xem đã ai có “chương trình” gì chưa? Nếu chưa thì nháy nhau, điện thoại để “thiết kế” và 16 giờ thì bộ sậu đã họp đủ ngoài quán để cùng “bàn loạn” công việc cơ quan.
Buôn dưa lê
Căn bệnh này tưởng chỉ có bên ngoài xã hội, thực tế lại khá phổ biến ở công sở, nhất là trong cơ quan nhà nước. Đến cơ quan là các bà, các chị, các cô lại xúm lại một chỗ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất: Mặt hàng nào tăng giá, hạ giá, cô nào có bộ váy mới, bà nào giảm được mấy cân, anh nào bị vợ cắm sừng, chuyện đụng xe, rồi cả chuyện con chó cưng bị đau bụng… Tóm lại chẳng chuyện nào liên quan đến công việc.
Điều lạ là các quý ông cũng không chịu thua nếu không muốn nói có mặt còn hơn. Chẳng thế mà ngày nào cũng gặp, nhậu với nhau mà không hết chuyện.
Có khác chăng là đề tài của các quý ông có tầm “vĩ mô” hơn, như chuyện lão trưởng phòng nọ kém tài nhưng giỏi nịnh nên lên chức, dự án kia khó có tính khả thi, rồi vì sao giá dầu thế giới giảm đã lâu mà giá xăng trong nước chưa giảm, nhà hàng nào có món ăn ngon và tiếp viên bắt mắt…
Mỗi chuyện tại sao Nhà nước lại phải trả lương cho thời gian vô bổ của họ thì chẳng thấy ai nói đến.
Thích chê bai
Người tốt đến mấy họ cũng tìm cái để chê. Với họ, không ai tốt, không ai giỏi cả, trừ họ. Lãnh đạo nghiêm khắc thì chê khô cứng, máy móc không có tình cảm. Lãnh đạo dễ dãi thì chê dốt, không biết quản lý. Lãnh đạo ôn hòa, chê dĩ hòa vi quý, không có cá tính.
Bị giao nhiều việc thì chê dốt, không biết làm gì, làm lãnh đạo thế ai chả làm được. Giao ít việc hoặc không giao việc, chê không biết dùng người. Người nhiệt tình bị chê háo danh, ngựa non háu đá. Người có ý chí phấn đấu: chê cơ hội, thủ đoạn. Người ít đấu tranh: chê ngậm miệng ăn tiền. Người hay đấu tranh: chê thọc gậy bánh xe…
Chỉ có một điều là họ rất sợ và không bao giờ muốn nghe người khác chê mình.