Khi chuẩn bị tiếp nhận công việc tại cơ quan mới, ngoài kỹ năng, trình độ chuyên môn, các nhân viên mới còn phải học cách thích nghi và quen dần trong môi trường làm việc vốn không mấy quen thuộc với họ.
Ảnh minh họa
Những thay đổi ở môi trường mới
Không phải một mà là rất nhiều xáo trộn xảy ra trong những ngày đầu bạn tới chỗ làm. Công việc mới, sếp mới, đồng nghiệp mới và vô vàn quy tắc, nội quy sẽ khiến bạn lúng túng, lạ lẫm.
Bộ quần áo mặc trên người cũng có thể biến thành trò cười cho đồng nghiệp nếu bạn cứ “bê” nguyên văn hóa ở công ty cũ “áp đặt” cho công ty mới. Chẳng hạn như việc bạn đã quen với chiếc áo phông, quần bò trong vai trò nhân viên thiết kế, thì nay nó sẽ không còn phù hợp khi bạn làm việc ở công ty mới với vị trí của một trưởng phòng marketing.
Hàng loạt thay đổi khác mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy như: giờ giấc, tác phong làm việc, thái độ đối với sếp, đồng nghiệp và những thay đổi trong các nội quy, quy chế, từ việc tiết kiệm, dọn dẹp phòng làm việc hàng ngày, cho đến những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ như giữ trật tự trong giờ ăn trưa, không ăn quà vặt, hút thuốc trong thời gian làm việc…
Những thay đổi ấy, dù lạ lẫm, đáng ghét bạn vẫn phải chấp nhận và tuân theo nếu thực sự muốn có được cơ hội thử thách tại môi trường mới này.
Thích nghi với môi trường mới, vấn đề không đơn giản
Không phải cứ tỏ ra thân thiện, cởi mở là có thể dễ dàng bắt chuyện với đồng nghiệp trong công ty. Đôi khi, sự hồ hởi thái quá sẽ khiến họ nghi ngại, và những câu chuyện làm quà ngay trong giờ làm việc của bạn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người khác. Có thể, họ chưa tỏ thái độ vì ngại ngùng, nể nang. Nhưng nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt bằng cách làm quen kiểu ấy sẽ chỉ gây nên sự bực tức, khó chịu với đồng nghiệp.
Việc tỏ ra quá am tường, hiểu biết hơn các nhân viên trong công ty ngay từ những ngày đầu tiên dễ khiến bạn mất điểm. Hãy thể hiện điều này bằng hành động trước các sếp, chứ không nên “khoa chân múa tay” khoe khắp thiên hạ. Đồng nghiệp sẽ nghĩ bạn là một kẻ rất “chảnh”, và tất nhiên, họ không bao giờ thể hiện sự hợp tác và thân mật với bạn.
Cũng không nên tỏ vẻ thân thiện bằng việc dùng chung cốc, thìa, ly uống nước với đồng nghiệp. Bạn mới vào công ty và chưa thể “có quyền” tự nhiên như thế. Nên tôn trọng đồ dùng cá nhân của đồng nghiệp. Hãy để họ tự quyết định cách bày biện trên bàn làm việc, hay sở hữu những vật dụng cá nhân.
Ngoài ra, nội quy về giờ giấc, cung cách làm việc hoặc nơi uống nước, để cốc chén… cũng phải được tôn trọng và chấp hành. Mỗi công ty đều đặt ra những quy tắc riêng và buộc bạn phải tuân theo. Không nên coi công ty là “nhà riêng” và có thể làm bất cứ điều gì theo ý thích.
Để làm quen với môi trường mới, cách tốt nhất là chịu khó quan sát, lắng nghe. Không phải ai cũng chỉ bảo tận tình cho bạn những nội quy của công ty. Vì vậy, chính bạn phải là người tự tìm hiểu, tự khám phá để thực hiện nội quy cả chính thức và không chính thức ấy.
Biết thích nghi nhanh trong mọi hoàn cảnh, cơ hội của những người thăng tiến.
Bạn không thể được sếp tin tưởng, đồng nghiệp yêu quý khi luôn đi trái với những nội quy, nề nếp của cả công ty. Bạn sẽ là một kẻ phá bĩnh đáng ghét nếu cứng nhắc với những nguyên tắc riêng của mình.
Biết thích nghi chính là cách hòa nhập với tập thể. Bạn có thể dễ dàng làm bạn với đồng nghiệp mới và tạo dựng được những mối quan hệ mới.
Văn hóa công ty không chỉ đơn giản là nội quy mà còn là hành vi, cách nghĩ, thái độ sống của mỗi thành viên công sở. Một khi quen được điều này, bạn sẽ có cơ hội thành công hơn so với những người khác, cho dù bị “ném vào bất cứ môi trường nào.
Tất nhiên, để có được sự thích nghi hoàn toàn, bạn phải học hỏi, quan sát chứ không phải chuyên một sớm, một chiều.
Việc thích nghi, làm quen với môi trường làm việc mới có suôn sẻ hay không tùy thuộc vào cách tiếp nhận và thái độ trong việc nói năng, cư xử của bạn. Một nhân viên tốt không chỉ cần sự thông minh, giỏi giang mà còn cần cả sự hòa đồng, sự hợp tác với những nội quy, và môi trường làm việc của công ty đó.