10 sai lầm của người tìm việc

Nếu bạn đã nộp hồ sơ đi rất nhiều nơi, đã tham dự rất nhiều buổi phỏng vấn nhưng vẫn thất nghiệp dài dài thì có thể bạn đã mắc một trong những sai lầm dưới đấy. 

Ảnh minh họa


Nộp hồ sơ cho một công việc bạn không ưa thích 
Bạn đang thất nghiệp và khát khao được đi làm, bạn thấy một thông báo tuyển dụng trên báo và ngay lập tức nộp hồ sơ ứng tuyển. Chưa cần hỏi nhiều, chỉ cần đọc qua bản lý lịch và vài phút trao đổi với bạn, nhà tuyển dụng đã biết bạn không hợp với vị trí này. Alê hấp, bạn bị loại.
Gửi đi một bộ hồ sơ xin việc sơ sài 
Gửi đến nhà tuyển dụng một bộ hồ sơ không được chuẩn bị kỹ lưỡng là cách nhanh nhất để bạn tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Hồ sơ xin việc chính là bộ mặt của bạn, là nơi để bạn “tiếp thị” bản thân mình. Nếu bạn làm sơ sài, người đọc sẽ nghĩ bạn cũng sơ sài như vậy thôi.
Không tạo được sự khác biệt 
Trong một ngày, nhà tuyển dụng nhận và đọc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ hồ sơ khác nhau. Nếu bạn không tạo được sự khác biệt với những người khác, bạn sẽ dễ dàng bị lẫn trong đám đông và bị quên lãng. 

Không làm theo yêu cầu của công ty tuyển dụng 
Bạn không chịu đọc kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bạn gửi đến một lá đơn đánh máy thay vì một đơn xin việc viết tay như yêu cầu. Những nhà tuyển dụng khó tính sẽ không buồn đọc nội dung, loại ngay những bộ hồ sơ sai quy cách khỏi bộ nhớ. 

Không biết lượng sức mình 
Đặt ra mục tiêu cao là rất tốt nhưng đừng vì thế mà quên mất khả năng thực sự của mình. Bạn đưa đến một bằng khá trung cấp, nhưng bạn muốn xin vào vị trí giám đốc điều hành, bạn đang gây cười cho thiên hạ đấy. 

Thiếu những kỹ năng khi đi phỏng vấn 
Phỏng vấn là một phần vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Nếu bạn không chịu học hỏi, chuẩn bị kỹ, bạn sẽ gây thất vọng cho người phỏng vấn. 

Giấu kín nhược điểm 
Không có ai hoàn hảo đến mức không có nhược điểm nào. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn “Điểm yếu của anh/chị là gì?” và bạn quyết tâm không tiết lộ ra. Bạn nói mình chẳng có điểm yếu gì, nhà tuyển dụng nghe và thấy bực mình: làm gì có ai không có điểm yếu? 
Hãy trung thực và thông minh, chọn những điểm yếu không gây hại cho công việc để “khai báo” nhé.

Nóng vội
Tìm việc luôn là một chặng đường dài, đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự bền bỉ. Vừa gửi đi một bộ hồ sơ và thất bại, bạn đã thấy nản lòng, thế thì bạn còn thất nghiệp lâu đấy. Thời buổi nhiều lao động ít việc này, không bền bỉ cố gắng sẽ không bao giờ thành công. 

Quá dễ dãi hoặc quá đề cao chuyện lương bổng 
Tiền bạn là một vấn đề rất nhạy cảm. Nếu bạn dễ dàng chấp nhận một mức lương quá thấp, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn chẳng có năng lực gì và rất thiếu tự tin. Nếu bạn đòi hỏi quá cao, khăng khăng đòi bằng được mức lương mình đưa ra, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng cáu tiết và tuyên bố: chúng tôi không thiếu những nhân viên giỏi và nhiệt tình hơn anh/chị. 

Quên gửi lời cảm ơn 
Một bức thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn là rất quan trọng. Qua phép xã giao này, nhà tuyển dụng sẽ nhớ đến bạn hơn, đánh giá cao bạn so với các ứng viên khác. Tỏ lòng biết ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn là một cách để thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của bạn với công việc.