Thay đổi cách nghĩ của sếp về bạn

Trong công việc, con người đối xử với nhau không chỉ có tình mà còn vì giá trị kinh tế. Vì vậy, sự hiểu lầm cũng là điều đương nhiên có. Vấn đề là làm sao để thay đổi cách hiểu đó.

Ảnh minh họa

Đôi khi, chỉ vì vài câu chuyện “vỉa hè” của đồng nghiệp, bạn bỗng trở nên xấu trong mắt sếp. Con đường thăng tiến vì vậy bị cản trở. Làm sao để thay đổi cách nghĩ của sếp. 

1. Sếp nghĩ bạn lười biếng 
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, hãy tỏ ra nhiệt tình, hỏi xem sếp có giao thêm việc gì nữa không. Luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc dù lịch làm việc đã kín đặc. 
Đừng khoe khoang khoác lác, thay vào đó, nên biết cảm ơn mọi người vì những gì họ đã làm cho bạn. Một câu nói: “Cảm ơn anh đã cung cấp cho em những số liệu quý giá” khiến sếp rất hài lòng. 
Đừng dựa vào tường hoặc bàn ghế khi nói chuyện hay lúc làm việc. Nên duy trì phong thái đứng đắn, tự tin, hăm hở.

2. Sếp nghĩ bạn không chuyên nghiệp 
Nhã nhặn lịch sự là bí quyết số một nhưng đừng khúm núm. Khi bạn nhận và hoàn thành công việc bằng thái độ lễ phép đúng mực, không ai có thể nghĩ bạn thiếu chuyên nghiệp. 
Giữ bình tĩnh và không nên phản ứng lại trước những lời chỉ trích. Đó chính là biểu hiện của sự chín chắn và chuyên nghiệp. 
Nghĩ kỹ trước khi phát ngôn dù bạn có giận dữ đến mức nào. Phải chú ý đến người nghe, đặc biệt là cấp trên. Ăn mặc phù hợp với vóc dáng, chức vụ. Nghe nhiều hơn nói, chuẩn bị chu đáo cho các cuộc họp hành, hiểu rõ các chính sách của công ty. 

3. Sếp nghĩ bạn giống như tên hề 
Bạn đến văn phòng để làm việc chứ không phải đến để diễn hề cho người ta cười. Hãy dành khiếu hài hước cho các buổi tiệc tùng hoặc giờ giải lao. Tếu táo quá đà nơi công sở khiến đồng nghiệp coi thường bạn. 

4. Sếp nghĩ bạn giờ cao su 
Dậy sớm hơn và có mặt ở văn phòng đầu tiên. Đeo đồng hồ ở tay, vặn đồng hồ chạy sớm hơn khoảng 5, 10 phút để bạn luôn là người đến sớm hoặc đúng giờ trong các cuộc hẹn. 
Bạn hãy lên kế hoạch làm việc cụ thể và cập nhật thường xuyên. Chú ý đến các hạn chót phải hoàn thành nhiệm vụ, đừng để sếp phải nhắc nhở. 

5. Sếp nghĩ bạn thiếu đứng đắn và đạo đức kém 
Luôn giữ khoảng cách cần thiết với người khác giới. Ăn mặc đứng đắn. 
Đừng lạm dụng những tài sản “chùa” của công ty như “buôn” điện thoại, chat chit lung tung, dùng máy in và photo vô tội vạ,… 
Hạn chế những cuộc gặp gỡ thiếu minh bạch với những người thuộc “phe” đối thủ cạnh tranh với công ty. 
Minh bạch trong chuyện tiền bạc và tình cảm. Đừng bao giờ nói dối mà có hại cho người khác. 
Biết nhận lỗi và tìm cách khắc phục việc làm sai của mình. 

6. Sếp nghĩ bạn không phải là nhóm viên tích cực 
Học cách ghi nhớ năng lực, hoàn cảnh của các đồng nghiệp. 
Tôn trọng và công nhận thành quả của người khác. Đừng ăn cắp ý tưởng của người khác, đừng im lặng nhận lời khen khi nó không dành cho mình, đừng ba phải trước những ý kiến của sếp. 
Tích cực phát biểu và năng nổ trong mọi hoạt động. 
Để thay đổi được suy nghĩ không hay của người khác không có nghĩa là bạn phải “cancel” hết mọi nhược điểm của mình. Suy cho cùng, có ai hoàn hảo đâu. Điều quan trọng là phải biết nhận thức và sửa sai, nỗ lực hoàn thiện mình.