Đi tìm ”quân sư”

Một quân sư giỏi là người có thể giúp bạn chuyển bại thành thắng. Vậy làm cách nào để chọn cho mình một cố vấn đắc lực?

Ảnh minh họa

Quân sư không còn là khái niệm mới trong lĩnh vực kinh doanh. Đối với các nhà quản lý hay sếp trẻ, quân sư là người không thể thiếu, vì nhân vật này là cách tay phải đắc lực giúp “đầu tàu” ứng phó trên thương trường cạnh tranh khốc liệt.
Tìm kiếm quân sư không khó, họ có thể là tư vấn viên, trợ lý, hoặc một nhân viên giỏi, giàu kinh nghiệm đang làm việc trong công ty của bạn.
Tầm quan trọng của quân sư
Một quân sư giỏi có thể đưa sự nghiệp của bạn đi lên hoặc giúp bạn tìm ra kế sách chuyển bại thành thắng trong những lúc khó khăn. Đồng thời, nhờ sự cố vấn của họ, bạn cũng có thể “trúng đậm” những hợp đồng siêu lợi nhuận.
Thế nhưng, nếu chọn nhầm một cố vấn viên tồi, sự nghiệp của bạn có nguy cơ xuống dốc một cách nghiêm trọng, có thể không cứu vãn được. Do đó, để tìm được một quân sư giỏi, một cách tay đắc lực và đáng tin cậy, bạn cần phải tuyển chọn thật kỹ càng.
Đãi cát tìm… “Gia Cát Lượng”
Vai trò của các quân sư rất quan trọng và cần thiết. Do đó, chỉ cần sơ suất nhỏ trong việc “đãi cát tìm vàng”, bạn có thể vô tình thiêu hủy cả sự nghiệp bấy lâu gây dựng.
Năng lực và kinh nghiệm của họ về lĩnh vực mà bạn đang hoạt động kinh doanh được xem là tiêu chuẩn hàng đầu để chọn quân sư.
Bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm làm việc, bạn có thể học hỏi từ họ vốn sống. Như thế, mối liên kết giữa hai người sẽ chặt chẽ hơn, giải quyết vấn đề “ăn rơ” với nhau hơn. Bạn hãy tham khảo những bí quyết sau để giảm bớt rủi ro khi tìm quân sư:
– Đo lường uy tín và phẩm chất: Người bạn chọn làm quân sư nhất thiết phải có được sự tín nhiệm và nể trọng của nhiều người trong cơ quan. Tránh chọn cho mình một cố vấn viên mà người này luôn bị nhân viên chỉ trích.
Quan trọng hơn, họ phải là người kín miệng và đáng tin cậy, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ bí mật nghề nghiệp và cả tâm sự cá nhân mà không lo họ bán đứng mình.
Không nên chọn quân sư từ các nhân viên mà bạn có thể thay thế bất kỳ lúc nào, dù họ có giỏi đến đâu. Sau này, khi không còn “đầu quân” cho bạn nữa, họ có thể làm rò rỉ thông tin ra ngoài.
– Đánh giá năng lực: Bạn không nên dựa vào bằng cấp để chọn người làm “cánh tay phải”. Một quân sư giỏi phải có khả năng “mở mắt” cho bạn có cái nhìn mới hơn về bất cứ một vấn đề nào đó.
Bạn hãy suy xét những khía cạnh sau đây trước khi “duyệt” một quân sư: có óc tư duy, sáng tạo và ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, hiểu rõ khó khăn hiện tại của công ty…
Đồng thời, bạn cũng nên thăm dò xem khả năng điều hành công việc của họ khi cần thiết.
– Sự đồng điệu: Dù thông minh hay quyết đoán thế nào, một quân sư giỏi nhất định phải có sự phối hợp ăn ý với người đã chọn họ.
Bạn không thể hỏi ý kiến một người luôn có quan điểm trái ngược mình. Hãy chọn người có tính thẳng thắn, trung thực, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bạn.
Điều tiết tốt mối quan hệ này sẽ giúp công việc thuận lợi hơn. Ngoài ra, bạn có thêm một người bạn tâm giao.
– “Chống chỉ định” với những quân sư hay chỉ trích hoặc xem xét, đánh giá sếp của mình như một vị quan toà. Khi bạn cảm thấy người đã chọn không đủ tin tưởng, cần kéo giãn khoảng cách và tìm cho mình một quân sư mới thích hợp hơn.
– Cuối cùng, chú ý quân sư thường ý thức được tầm quan trọng của mình nên họ dễ lạm quyền, lấn lướt bạn.