Nguyễn Hoài Anh: 18 tuổi nhận học bổng AusAID du học tại Australia. 22 tuổi lấy bằng cử nhân ngành Tài chính quốc tế. 26 tuổi nhận học bổng Chevening, sang Anh trang bị thêm bằng thạc sỹ Tài chính.
Ảnh minh họa
7 năm kinh qua công việc tại các chi nhánh Citibank ở Việt Nam, Anh quốc, Singapore trước khi nắm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần ở tuổi 30…
Chặng đường sự nghiệp của Nguyễn Hoài Anh, sinh năm 1977, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (một trong những ngân hàng có nhiều sức bật nhất trong các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam) cũng có thể coi là những nét phác hoạ tương đối chung cho một lớp doanh nhân trẻ U30: Trẻ – năng động – tư duy hiện đại – nhiều cơ hội – làm việc không biên giới… Và, cũng có thể thấy nhiều điểm dù riêng, nhưng vẫn có nét đặc thù “thế hệ” trong suy nghĩ.
Sống và làm việc ở quê nhà: Thêm giá trị gia tăng
Quyết định chọn theo ngành kinh doanh, anh có chịu ảnh hưởng nào từ gia đình, và trước khi chọn lựa, anh có thiên hướng về nghề nghiệp?
Gia đình tôi không ai làm kinh doanh. Ở trường phổ thông của Việt Nam, 2 xu hướng được chú ý nhiều nhất là thiên về tự nhiên và xã hội.
Tôi học chuyên Anh ở trường Trưng Vương rồi Hà Nội Amsterdam, và chẳng hẳn giỏi về cả 2 hướng ngành này, nên ở thời điểm vào đại học, nghĩ tốt nhất là đi học về kinh tế.
Một trong những hạn chế lớn của giáo dục phổ thông ở Việt Nam, chắc cũng được nói quá nhiều, là thiếu tính định hướng và thiếu thông tin cung cấp để chuẩn bị cho đối tượng bước vào đại học.
Khi mới sang Australia, tôi đăng ký học ngành Ngoại thương, vì ở Việt Nam, nghe đến tên trường Ngoại thương thì gần như là nhất trong khối ngành này.
Học được một thời gian thì tôi chán, vì thấy những môn học trong ngành này (ở Australia) thiếu hẳn một cơ sở lý thuyết, chủ yếu tập trung vào giới thiệu các khái niệm nghiệp vụ, vậy là tôi chuyển sang học Tài chính.
Có một con đường chung mà rất nhiều du học sinh, ở thế hệ anh chọn đi, là làm việc vài năm ở nước ngoài để tích luỹ kinh nghiệm, sau đó về Việt Nam xây dựng sự nghiệp lâu dài. Là một thành phần trong đó, anh có lý giải về xu thế này?
Khi quyết định bỏ việc ở Citibank Singapore để về Việt Nam, sếp của tôi nói một câu: “Cậu đang bỏ lỡ cơ hội mà rất nhiều người Việt Nam mong muốn, cậu có điên không?”.
Có nhiều cơ hội để ở lại nước ngoài nhưng tôi không cảm thấy hứng thú và tất cả định hướng của tôi đều ở Việt Nam. Có thể, vì đây là ưu thế cạnh tranh của tôi. Tôi được đào tạo trong nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và lại có ưu thế là người Việt Nam.
Nếu ở nước ngoài, tôi không cạnh tranh được với Tây, nếu về Việt Nam thì Tây không cạnh tranh được với tôi. Theo thuyết về thế giới phẳng, thì lợi thế cạnh tranh của mình ở đâu thì mình nên ở đó. (cười)
Xu hướng hay cũng là hạn chế của tôi là chỉ thích ở Việt Nam. Có nhiều người Việt trẻ hiện tại có tư tưởng mở hơn nhiều. Thế giới bây giờ là thế giới mở, năm châu bốn bể là nhà, thì việc ở đâu đối với nhiều người không quá khác biệt.
Dù sao, đó là một quyết định khó đối với tôi ở thời điểm đó. Nhưng, tôi có nhiều giá trị gia tăng từ việc sống trên chính đất nước mình. Việc tận hưởng từng giây phút mình đang làm, đang sống là hạnh phúc đối với tôi.
Có mục đích nhưng không tham vọng
Anh quan niệm thế nào về công việc, cụ thể, công việc có theo anh về nhà?
Tối nào tôi cũng về nhà ăn cơm với vợ con, thi thoảng tôi còn về vào buổi trưa. Tôi tôn trọng những khoảnh khắc trong gia đình để không cắt bớt nó đi vì những đòi hỏi tham lam từ công việc.
Thử hình dung một ngày làm việc điển hình nhất của anh?
Công việc thường nhật của tôi chủ yếu là họp, gặp gỡ đối tác, đọc và trả lời email. Thường một ngày sẽ họp và gặp gỡ 2, 3 đối tác và đọc khoảng 50 cái email, một nửa trong số đó cần phải được trả lời hoặc giải quyết ngay.
Ở các vị trí quản lý, khả năng tham gia vào các công việc chuyên môn là khá hạn chế nên tôi phải dựa rất nhiều vào các cán bộ của mình để triển khai các công việc.
Dân kinh doanh, nhất là những đối tượng thành công thường được hình dung là những người tham vọng. Nếu được chọn từ để mô tả mình, anh có phải là người như vậy?
Tôi không phải là người quá tham vọng. Đối với tôi, cái đích mình đến không quan trọng bằng con đường mình đi. Nếu chỉ làm được một nửa những gì mình muốn, tôi cũng không coi đó là thất bại, bởi biết rằng, mình còn thu nhận được nhiều điều khác nữa, hơn là việc chiến thắng.
Thời cấp 3, tôi rất thích đánh cầu lông. Mong ước lớn nhất ở thời điểm ấy là giành huy chương vàng ở giải cầu lông U -18 của Hà Nội. Mọi nỗ lực đều tập trung cho mục tiêu ấy.
Nhưng đến khi đạt được, niềm tự hào về tấm huy chương chỉ duy trì được 2 ngày, mà cái khiến tôi “sướng âm ỉ” hơn lại là giai đoạn mình đã trải qua để có được điều đó, những tháng ngày tập luyện, sự hồi hộp, háo hức mong chờ.
Tôi quan trọng đến quá trình hơn là kết quả và muốn có sự cân bằng trong cuộc sống.
Nói thế, nghĩa là anh đặt khái niệm tận hưởng công việc, cuộc sống nhiều hơn hành động và kết quả?
Một người có ảnh hưởng lớn với tôi là ông sếp tôi ở Citibank Singapore. Năm 2000, khi tôi đang làm ở Citibank Việt Nam, có lần ông sang công tác, và chỉ hỏi bâng quơ “Ba năm nữa, cậu định làm gì?”.
Lúc đó, tôi nói rất thật “Tôi chưa định hướng xa như vậy, chưa có gì cụ thể, cứ đi làm, kiếm tiền…. như hiện tại”.
Và ông ấy nói “Thế giống như cậu đá bóng mà không có gôn. Có thể kỹ thuật của cậu rất khá, rê bóng chạy vòng vòng biểu diễn rất đẹp, nhưng đến cuối cuộc chơi, ai hỏi tỷ số mấy không có khi cậu chả rõ, và có thể cậu sẽ chẳng đạt được cái gì”.
Nghe thế, tôi cũng giật mình. Và, đó là sự giật mình lớn nhất trong đời, tính đến thời điểm hiện tại. Lúc ấy thấy rõ ràng rằng mình cũng nên có một mục đích để hướng tới, để không bị đi lạc. Sau đó, thì tôi có sự phấn đấu rõ rệt hơn.
“Doanh nhân: Chiến lược quan trọng hơn chiến thuật”
Nhìn nhận riêng của anh về cơ hội cho những thành phần trẻ như anh, tại Việt Nam, so với thế hệ trước?
Hạn chế lớn nhất của thế hệ trước là ít cơ hội thay đổi công việc, họăc khả năng được làm việc theo những ý muốn của mình là tương đối ít. Đôi khi cả đời chỉ làm một công việc, gắn bó với duy nhất một nơi công tác.
Đến thế hệ sau đó, khi kinh tế thị trường mở ra, thì quan trọng là khả năng tận dụng cơ hội. Việc nắm bắt được cơ hội và biến chúng trở thành tiền ngay lập tức, tóm lại là tư tưởng đánh quả, được chú trọng hơn. Nhưng, cũng trong thời gian đó, những doanh nghiệp nổi trội đều là những người chú trọng đến tầm nhìn dài hơi.
Đến giai đoạn hiện tại, những doanh nghiệp từ những năm 90 hầu như càng ngày càng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, duy trì sự trường tồn của doanh nghiệp mình. Đã có sự khác biệt giữa nghề và nghiệp.
Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa các giai đoạn. Và, tất nhiên là những người trẻ như chúng ta hưởng lợi thế từ điều đó.
Kèm theo đó, anh nghĩ những kỹ năng gì quan trọng nhất đối với doanh nhân thế hệ hiện tại?
Do môi trường sống, môi trường kinh doanh thay đổi nên các kỹ năng cần thiết cũng thay đổi theo. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay, kỹ năng xây dựng chiến lược, lập kế hoạch và quản lý hệ thống là tối quan trọng.
Ngành ngân hàng là một ví dụ khá điển hình. Trước đây, việc xây dựng chiến lược và lập kế hoạch thường không được coi trọng nhưng bây giờ, không lên kế hoạch, không phát triển được ưu thế cạnh tranh của riêng mình thì khó tồn tại được.
Ở thời kỳ trước, những gì mang tính chiến thuật quan trọng hơn, phù hợp cho những trận đánh nhỏ. Nhưng hiện tại, chiến lược cho những cuộc chiến lớn, những mục tiêu dài hơn là vô cùng cần thiết hơn ở môi trường kinh doanh bây giờ.
Gần đây, người ta nói nhiều đến chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân trẻ. Là người có chút ít liên quan đến vấn đề này, anh nghĩ, việc đào tạo trong nhà trường Việt Nam hiện tại, còn thiếu những yếu tố gì?
Giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề, mà chỉ với tư cách một người dân, tôi chưa thể có cái nhìn toàn diện để đánh giá.
Nhưng tôi cảm nhận, giáo dục của chúng ta chú trọng nhiều đến những kiến thức chuyên môn, mà bỏ qua những khối, những mảng thường thức. Học sinh của ta học Toán, học công thức rất nhiều, nhưng có những khái niệm đơn giản, gần gũi trong cuộc sống thì chưa được trang bị nhiều. Hay chẳng hạn, khi dạy sử, chúng ta chú ý nhiều đến sự kiện, các con số, mà ít đề cập đến những bài học đằng sau.
Một cách thành thật, tôi thấy mình gặp may mắn trong sự nghiệp. Tôi rất cám ơn việc được đi du học ở ngay thời điểm mới lớn, thời điểm hình thành tích cách và nhận thức xã hội. Việc du học xây dựng cho tôi tính tự lập và giúp mở mang hiểu biết thêm về những nền văn hoá, cho mình tầm nhìn rộng hơn.
Lúc này, tôi có thêm dự định học Lịch sử, và có lẽ khoảng 5,6 năm nữa sẽ đến Mỹ, vừa là để biết thêm một nền văn hoá vừa là để tìm hiểu sâu hơn về môn học mà tôi nghĩ là rất có ích, cho cả công việc và cuộc sống hiện tại.