Hàng trăm khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của Cty CP thanh toán điện tử Việt (Vietpay) đang có nguy cơ bị mất trắng. Tuy nhiên, họ không biết kêu ai và đòi lại tiền như thế nào trong khi các nhà mạng… từ chối trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Trao đổi với DĐDN, LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty Luật TNHH Basico, chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng cho rằng vụ việc trên trở thành một tiền lệ tiêu cực, khiến người tiêu dùng e ngại với dịch vụ tiện ích này.
Theo LS Trương Thanh Đức, thanh toán điện tử là một dịch vụ rất tiên tiến đã được nhiều quốc gia sử dụng từ hàng chục năm qua. Vụ việc trên trở thành một tiền lệ tiêu cực, khiến người tiêu dùng e ngại với dịch vụ tiện ích này.
– Theo ông, khách hàng của Vietpay có khả năng đòi lại tiền được không?
Nếu nói về khả năng để có thể đòi lại được tiền đối với Vietpay của khách hàng là rất mơ hồ vì nhiều lý do. Trước tiên nói về khởi kiện dân sự, mặc dù quyền khởi kiện dân sự của khách hàng là có nhưng buộc phải tách ra thành nhiều vụ. Pháp luật Việt Nam không chấp nhận khởi kiện tập thể, gộp tất cả những người bị xâm hại quyền lợi vào một vụ kiện. Từng người một đi đòi vài triệu đồng thì thời gian và chi phí không tương xứng với họ.
Muốn khởi kiện dân sự, nguyên đơn cũng phải biết được bị đơn đang ở đâu? Nếu là DN phải có đăng ký kinh doanh để cung cấp cho tòa án. Thực tế, Cty Vietpay chuyển về đâu? Còn tồn tại hay không, chưa thấy ai có thể cung cấp thông tin. Chỉ cần hai lý do này đã khiến tòa án trả lại hồ sơ, không thụ lý vụ việc.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có thẩm quyền để khởi kiện Vietpay. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta chỉ thấy ở nước ngoài các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện DN, còn Việt Nam thì Hội chưa thực hiện quyền này, chắc vì không có kinh phí.
Một cơ quan trung gian có thể đứng ra giải quyết như Cục Quản lý cạnh tranh, nhưng cũng chỉ ở góc độ hành chính. Khả thi hơn trong trường hợp chuyển hồ sơ sang công an giải quyết theo trình tự tố tụng hành sự. Tuy nhiên, cơ quan công an cũng phải tìm thấy dấu hiệu hình sự thì mới có thể tham gia điều tra, giải quyết. Trong trường hợp DN đã phá sản, không còn khả năng thanh toán thì công an cũng bó tay. Trường hợp DN phá sản khả năng xảy ra là rất lớn.
– Như vậy, khách hàng chỉ còn trông chờ ở “cánh cửa hẹp” là giải quyết theo trình tự của Luật Phá sản, thưa ông?
Trình tự giải quyết phá sản DN thì ai cũng có thể nhìn thấy sự trì trệ thế nào. 9 năm qua, cả nước chỉ có vài chục vụ phá sản DN được tòa án giải quyết. Đợi tòa án giải quyết xong, không biết Vietpay còn tài sản gì để mà trả lại cho khách hàng.
Hơn nữa, vì sao tôi nói rằng có nhiều khả năng Vietpay đã phá sản. Mặc dù, thanh toán điện tử là lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất mới, DN phải đầu tư lớn và phải chấp nhận thua lỗ thời gian đầu. Nếu không phải các tập đoàn, TCty lớn trường vốn thì khó có thể chịu nổi. Vietpay vốn chỉ là DN nhỏ lại phải đầu tư hạ tầng và nguồn lực đáng kể. Trong vài năm, DN chỉ thu lặt vặt được từ vài trăm khách hàng thì rất khó có thể bù đắp lại chi phí đầu tư. Việc họ bì thua lỗ ban đầu là hoàn toàn có thể nhìn thấy, vấn đề chỉ là con số và sức chịu đựng của họ.
– Như ông đã nói, thanh toán điện tử là lĩnh vực rất tiềm năng. Nhưng với hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh toán điện tử diễn ra gần đây, liệu dịch vụ này có cơ hội để phát triển ở Việt Nam?
Nhìn lại những năm qua, dịch vụ thanh toán điện tử đã được DN đưa vào kinh doanh từ khoảng trên 10 năm bởi các thẻ thanh toán như Visa Debit của Ngân hàng HSBC hay Visa/Mastercard của Eximbank. Gần đây hơn vào năm 2007, dịch vụ thanh toán điện tử PayNet đối với các giai dịch nhỏ cũng chính thức đưa vào giao dịch. Tuy nhiên, hầu hết đều không phát triển được. Người dân Việt Nam vẫn quen với văn hóa dùng tiền mặt.
Nếu nói về sự văn minh của loại hình thanh toán này thì ai cũng có thể nhìn thấy, từ việc an toàn cho người sử dụng đến lợi ích trong quản lý tài chính, quản lý thu nhập cá nhân của nhà nước… Có thể xem đây là loại hình thanh toán của tương lai, xu hướng các nền kinh tế đều sẽ hướng đến phương thức này. Việt Nam sớm hay muộn rồi cũng sẽ phải phát triển thanh toán điện tử.
Vietpay được coi là DN chuyên cung cấp SIM điện thoại đa năng đầu tiên tại Việt Nam.
Vụ việc Vietpay có thể cú “sốc” đối với người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử nói chung, thanh toán qua điện thoại nói riêng. Người sử dụng dịch vụ thanh toán Vietpay đang phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đây có thể xem như một “học phí” không chính thức không chỉ đối với người tiêu dùng mà với cả nền kinh tế. Tôi tin rằng, rồi các DN cung cấp dịch vụ chân chính sẽ lấy lại được niềm tin và người tiêu dùng sẽ sử dụng nó.
Điều đáng lưu ý, để phát triển dịch vụ này, DN đầu tư ban đầu mang tính chất mở mang, khai phá. Họ sẽ phải chấp nhận đầu tư lớn, lỗ dài. Nhưng nếu là người tiên phong cũng sẽ có lợi thế về chiếm lĩnh thị trường, nói cách khác là chiếm thị phần đáng kể.
– Một vấn đề khác là hành lang pháp lý để dịch vụ này phát triển. Vụ việc Vietpay càng khiến yêu cầu về hành lang pháp lý trở nên bức thiết, thưa ông?
Đúng là về hành lang pháp lý đối với thanh toán điện tử vẫn còn thiếu về mọi mặt. Ngay từ việc định danh thế nào là tài khoản đã phải trải qua không biết bao nhiều hội thảo, bao nhiêu tranh cãi. Đến bây giờ, cách hiểu về tài khoản vẫn chưa thống nhất. Muốn thanh toán điện tử phát triển, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải bàn tới như điều kiện đối với các DN cung cấp dịch vụ. Cơ chế chung gian thế nào. Đây là lĩnh vực rất cần có một cơ quan chung gian là ngân hàng tham gia. Ngân hàng sẽ là nơi quản lý dòng tiền để biết được chính xác nỏ chuyển về đâu, chuyển như thế nào và bảo đảm sự an toàn của nó… Làm sao để rủi ro cho các bên ở mức thấp nhất.
Tiếp đến có thể là vấn đề phân chia lợi nhuận của các bên. Khi có tranh chấp sẽ được xử lý ra sao cho thật tiện lợi… Tất cả mọi vấn đề đều cần được quy định thật rõ ràng và minh bạch. Nhưng chúng ta cần xúc tiến nó, đẩy nhanh tiến độ cho dịch vụ này sớm đi vào cuộc sống. Môi trường đầu tư, kinh doanh hay năng lực cạnh tranh quốc gia cũng sẽ có tác động tích cực từ việc mở mang những dịch vụ như vậy.
– Xin cảm ơn ông!
Theo dddn