Có một câu ngạn ngữ cổ từ hơn 3 nghìn năm trước nói rằng “đi mà xem những con kiến, mới thấy chúng ta là những kẻ lười biếng. Hãy xem chúng làm gì để học cách khôn ngoan”.
Ảnh minh họa
Không quan sát loài kiến, có lẽ chẳng ai ngờ rằng, ngay cả loài kiến bé nhỏ cũng mang đến cho chúng ta những bài học lãnh đạo sâu sắc.
Có vẻ như hai giáo sư Nigel Franks và Tom Richardson tại Trường đại học Bristol (Anh) đã nghe theo lời khuyên này. Hai ông đã quan sát những thói quen xã hội của loài kiến Temnothorax-albipennis khi chúng đi kiếm thức ăn. Những điều họ quan sát được sau hai năm có thể mang lại một số bài học lãnh đạo quan trọng.
Những quan sát của họ cho thấy, trong việc tìm thức ăn, dường như có cả “kiến lãnh đạo” và “kiến nhân viên”. “Kiến nhân viên” ghi nhớ các địa điểm có thức ăn, chúng báo cho “kiến lãnh đạo” thông qua râu để “kiến lãnh đạo” tiến hành bước tiếp theo.
Các con “kiến lãnh đạo” cũng dạy những con “kiến nhân viên” cách để định vị thức ăn và nhớ nơi đặt thức ăn. Kiến “lãnh đạo” và “nhân viên” áp dụng kỹ thuật chạy nối đuôi nhau – tức con kiến này hướng dẫn những con khác bò từ ổ của chúng đến nơi có thức ăn.
Theo Giáo sư Nigel Franks: “Việc hướng dẫn, chỉ dạy lẫn nhau trong loài kiến không đơn thuần là sự bắt chước. Kiến tuy là loài động vật có bộ não nhỏ hơn của người hàng triệu lần nhưng lại rất giỏi trong “công tác” dạy và học”.
Hai nhà nghiên cứu đã trải qua hàng giờ để quan sát các băng ghi hình những con kiến, họ cho rằng đây có thể là ví dụ minh hoạ đầu tiên về hành vi dạy dỗ của loài vật. Những con “kiến lãnh đạo” dẫn đường cho các con “kiến nhân viên” đến chỗ có thức ăn, và trên đường đi kiếm ăn, cả lãnh đạo lẫn nhân viên đều tự động điều chỉnh vận tốc cho ăn khớp với nhau. Nếu khoảng cách giữa con “kiến lãnh đạo” và “kiến nhân viên” quá gần, “kiến lãnh đạo” sẽ đi mau hơn. Nếu khoảng cách quá xa, “kiến lãnh đạo” sẽ đi chậm lại.
Nếu những con “kiến lãnh đạo” tự tìm thức ăn một mình, chúng sẽ đến nhanh hơn 4 lần so với khi chúng đi cùng những con “kiến nhân viên”. Chỉ dẫn và dạy dỗ nhân viên ghi nhớ các địa điểm có thức ăn và truyền tín hiệu cho nhau bằng râu là quá trình chậm hơn nhiều.
Thỉnh thoảng một số con “kiến lãnh đạo” “ngoạm” bằng miệng và “lôi” những con kiến nhân viên đến nguồn thức ăn. Làm thế này sẽ nhanh gấp 3 lần so với đi nối đuôi con trước con sau. Các con kiến lãnh đạo dường như sẵn sàng sửa đổi hành vi của những con kiến khác và chấp nhận giảm hiệu quả riêng của chúng.
Hơn thế, những con kiến dường như cũng có khả năng sư phạm. Các bài học chúng sử dụng có tính tương tác cao và được tiến hành theo nhịp độ được xác định bằng khả năng học và tiến bộ của những con “kiến nhân viên”.
Quan sát thế giới côn trùng này có thể gợi lại cho chúng ta một số phẩm chất lãnh đạo đáng quý trong thế giới con người.
* Các nhà lãnh đạo vĩ đại là những người cố vấn đầy kinh nghiệm và mẫn cán, luôn sẵn sàng dành thời gian và tài năng để dạy dỗ những người khác. Họ thích làm các việc đúng hơn là nhanh. Họ xem thành công lâu dài quan trọng hơn là thành công trước mắt.
* Việc lãnh đạo hiệu quả là kết quả của quá trình truyền thông và tương tác. Ở đâu có sự rõ ràng, ở đó sự tin cậy tăng lên.
* Một nhà lãnh đạo quan tâm là người dạy dỗ những người khác từng bước phù hợp với khả năng của họ. Đủ nhạy cảm đề biết khi nào cần kiên nhẫn hoặc cần củng cố, tăng cường một bài học, hoặc biết khi nào có thể bước tiếp bước tiếp theo là rất quan trọng.
Tự nhiên có thể dạy chúng ta rất nhiều về chính chúng ta và về thế giới xung quanh. Nếu lần sau bạn nhìn thấy một tổ kiến, hãy dừng lại và quan sát các hành vi xã hội của chúng. Cũng nên dành một chút thời gian để xem bạn có thể học gì từ thế giới của loài kiến bé nhỏ này.