Lắng nghe là chiếc cầu nối giúp con người điều chỉnh mối quan hệ tương giao ngày càng tốt hơn. Bởi vậy, sự lắng nghe như chiếc chìa khóa, được các nhà kinh doanh thành đạt coi như câu thần chú “vừng ơi mở cửa” để bước vào kho báu giàu có.
Ảnh minh họa
Girard, một doanh nhân người Mỹ, được ghi vào sách Guinness là người tiếp thị bán hàng vĩ đại nhất của loài người. Bằng tài tiếp thị khéo léo, trong vòng một năm, anh đã bán được 1.425 chiếc ôtô. Mọi người rất tâm đắc với câu nói của anh: “Không giỏi lắng nghe, không thể trở thành người bán hàng giỏi”.
Để đúc rút được điều đó, Girard cũng từng trải qua thất bại: một ông khách nổi tiếng đến mua xe của anh. Dù Girard giới thiệu đầy hấp dẫn nhưng rút cục anh lại tuột mất phi vụ béo bở. Sau này anh mới ngớ người ra vì một nguyên nhân đơn giản khiến vụ bán hàng của anh với ông khách nọ không thành.
Thì ra, lúc xem ôtô trong cửa hàng, ông khách vui miệng tự hào khoe về đứa con trai của mình, muốn cùng anh chia sẻ niềm tự hào đó. Nhưng lúc đó Girard lại lơ đãng không để ý tới, chỉ nghĩ làm sao bán được hàng cho khách mà không mặn mà lắng nghe và cũng không biểu thị sự vui mừng tương ứng.
Miền Bắc nước ta, vào buổi sớm mai, khách hàng vào cửa hàng trước 12g trưa, ngay phút giây ban đầu, thường bị chủ hàng đột ngột đưa ra một điều kiện ràng buộc mà không thèm để ý tới khách hàng cần gì. Đại loại là một điệp khúc kiểu như: “Xin mời bác (hoặc anh…) sáng sớm ra mua mở hàng để lấy may! Nhà hàng chưa bán được cho ai cả!”. Nếu khách lúng túng hoặc từ chối lời đề nghị như mệnh lệnh này, thái độ chủ hàng thường rất khiếm nhã. Chính vì vậy, khách hàng thuờng tránh đi mua hàng vào buổi sáng, bởi “văn hoá mở hàng”.
Người biết lắng nghe rất dễ “tiếp thị” với mọi người. Nhà tài chính vĩ đại nhất nước Mỹ, ông Bernard Baluk là một thính giả tuyệt vời nhất. Nhờ biết lắng nghe khách nói, ông đã tự tiến cử mình với mọi đối tác, mọi cương vị khác nhau trong xã hội, từ thường dân tới tổng thống.
Những doanh nhân thành đạt giàu có, luôn lắng nghe khách hàng dốc bầu tâm sự, khiến khách hàng cảm thấy mình được tôn trọng. Trong giao dịch trên thương trường, họ thấy doanh nhân thành đạt giàu có thân tình tựa như bạn bè, vì thế trong đàm phán, mọi tranh chấp dễ được châm chước, giải quyết ổn thoả.
Ông chủ biết lắng nghe ý kiến của nhân viên cấp dưới có thể làm giảm nhẹ sự căng thẳng và áp lực tâm lý của họ. Những người làm công cảm thấy vấn đề mình nêu ra đã được ông chủ giàu có coi trọng và thông cảm giúp đỡ. Như vậy mối quan hệ hợp tác tôn trọng lẫn nhau giữa chủ và thợ được thiết lập. Ông chủ, nhà doanh nghiệp nhờ đó sẽ gặp thuận lợi trong làm ăn, ngày càng giàu có thêm.
Khi lắng nghe người khác nói, người doanh nhân thành đạt thường tỏ ra chăm chú, quan tâm. Bởi vậy nhiều khách hàng, đối tác kinh doanh còn muốn thổ lộ cả những điều thầm kín nhất với họ. Bởi vậy, doanh nhân thành đạt giàu có là người rất thạo việc tiếp cận và thân thiện với người khác. Họ cũng dễ được người khác tiếp nhận và yêu thích. Họ không ra lệnh “mở hàng” vào sớm mai, khi giao dịch không cắt ngang lời người khác một cách thô bạo và không phớt lờ trước lời tâm sự của người khác.
Thờ ơ, hờ hững với người khác nghĩa là tuột khỏi cơ hội làm giàu. Lãnh đạm là con dao hai lưỡi, hại người và cũng hại ngay bản thân mình. Đây cũng là tính cách của doanh nhân không thành đạt.