Trong hai thập niên vừa qua, quan niệm chủ đạo về phong cách lãnh đạo doanh nghiệp tại phương Tây là người làm sếp phải mềm mỏng.
Ảnh minh họa
Một ví dụ tiêu biểu là cuốn sách Emotional Intelligence của Daniel Goleman, trong đó tác giả nói lãnh đạo công ty cần biết cảm thông.
Nhiều người tin rằng để động viên nhân viên, thì ‘củ cà rốt, chứ không phải cây gậy’ là phương pháp hiệu quả. Theo quan niệm này, sợ hãi là xấu vì nó làm sự tự tin, tự trọng của con người bị tổn hại. Nó làm con người mất khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, nay một số nhà quản lý lại bắt đầu sử dụng gậy với sự tự hào. John Pluthero, tâm giám đốc của Cable & Wireless, gần đây loan báo ông sẽ cắt giảm số việc làm. Thay vì cố gắng bóc đường cho thuốc bằng những lời dịu dàng, ông lại tuyên bố: “Chúng ta làm việc cho một loại hình kinh doanh kém hiệu năng trong một ngành công nghiệp dở và sẽ là địa ngục trong 12 tháng tới. Nếu quý vị thấy điều này nghe có vẻ tồi tệ, mời quý vị rời khỏi xe buýt. Đây không còn là chỗ cho kẻ dễ sợ hãi.”
Cung cách nói chuyện dọa nạt như thế lại có thể có hiệu quả.
Một bài báo đăng trong tạp chí Harvard Business Review số tháng Hai cho rằng lãnh đạo tài năng phải biết dọa nạt. Bài này, của Roderick Kramer, một nhà tâm lý ở trường kinh doanh Stanford, đã gây tranh cãi.
Theo ông Kramer, ý kiến của ông cũng chỉ có được qua sự tình cờ. Ban đầu, ông định tìm hiểu các thiệt hại tâm lý gây ra do các sếp ‘khủng khiếp’. Nhưng ông ngạc nhiên thấy rằng nhiều người thích làm việc với các sếp như vậy.
Giáo sư Kramer đưa ra bốn bước để nhà quản lý tăng cường khả năng ‘uy hiếp’ của mình:
1. Làm họ sợ bằng cách xâm phạm không gian cá nhân của nhân viên
2. Nổi giận. Ngay cả nếu anh không thật sự giận, thì cứ giả vờ rất giận
3. Làm nhân viên phải đoán mò bằng cách im lặng. Điều này có nghĩa anh có thể thay đổi quyết định mà không mất mặt.
4. Nắm vững các chi tiết, và ngay cả nếu không biết nhiều, thì cứ giả bộ là biết. Bịa ra nếu cần. Mọi người sẽ tin và làm theo anh.
Dĩ nhiên đây là trò chơi nguy hiểm. Giáo sư Kramer đồng ý rằng một ông sếp dọa dẫm chỉ nên dùng biện pháp này để đạt mục đích cụ thể, chứ không phải để thưởng thức sự làm nhục người khác. Và họ cũng phải biết làm một điều mà các vị sếp thường thấy khó thực hiện. Đó là khả năng lắng nghe người khác.