Mới nghe tin công ty tin học I, công ty của một giám đốc vừa 20 tuổi cùng nhóm bạn lập nên với rất nhiều dự án vĩ mô, đóng cửa; lại chợt nhớ cách đây không lâu, công ty VL từng “tiếng tăm lừng lẫy” trong giới công nghệ thông tin, giờ… yếu xìu vì các thành viên lần lượt ra riêng. Các nhóm khác cần có bí quyết gì để tránh rơi vào tình trạng “tan đàn xẻ nghé”?
Ảnh minh họa
Không mắc bệnh ngôi sao
Một số êkip trẻ chuyển từ trạng thái bạn bè lên thành qui mô công việc. Nhưng khi đã làm việc thì phải có “sếp”, có “lính”. Công ty I chẳng hạn, một thành viên chua xót: “Gần bảy năm trời tôi với nó đèo nhau xe đạp đi lùng mua đĩa chương trình. Thân đến vậy mà giờ nó gạt phắt ý kiến của mình khi chưa nghe xong. Vậy cứ làm một mình đi”.
Phải công nhận là nhân vật “nó” ở công ty I giỏi thật, khi anh chàng có trong tay một bộ sưu tập giải thưởng đồ sộ mà ai cũng ngưỡng mộ. “Nhưng nó mắc bệnh ngôi sao rồi…”.
Không “bí mật nội bộ”
Đó là một trong những qui tắc hàng đầu trong tập thể Công ty Masso Events. Chỉ có 13 người nhưng đã tạo dựng được chỗ đứng khá vững trên thị trường quảng cáo. Lý do? Nguyễn Kim Hằng, 23 tuổi, phụ trách dự án ở đây, giải thích: “Tụi mình tạo được một không khí làm việc no-password. Mọi người đều được biết mọi hoạt động, kế hoạch trong chi thu; dù bạn là tiếp tân, lượng thông tin bạn nhận được cũng như giám đốc, vì như thế, trong một êkip nhỏ của tụi mình, mọi người sẽ cảm thấy công ty và công việc thật sự là của mình và mình có đóng góp cho sự phát triển của công ty”.
Không cười những “chuyện nhảm nhí”
Bạn Lê Hồng Yến khẳng định như thế khi chúng tôi hỏi thăm về bí quyết thắng thầu trong hợp đồng tiếp thị nhãn hiệu sữa “Cô gái Hà Lan”. “Bạn phải có sáng tạo trong chương trình để thuyết phục khách hàng. Nhóm của mình có sáu người, chị kế toán nghĩ ra chuyện mời ca sĩ xịn đi đóng phim ở hồ bơi để kích thích mọi người đi bơi, anh họa sĩ bày tỏ ý định bịt mắt khách tham dự để nghe một đoạn phim và đoán nội dung…
Mới nghe có vẻ hơi nhảm. Nhưng cấm cười. Cuối cùng, bọn mình giành chiến thắng trước các đối thủ nặng ký khác là nhờ trò chơi ghi âm các tiếng động và yêu cầu khách tham dự đoán xem nó là hành động gì. Đó là một sáng tạo tập thể”.
Không ôm đồm công việc
Tại công ty T chuyên về du lịch ở quận 1, TP.HCM của một nhóm bạn cùng học Trường Hùng Vương, hầu như mọi việc chỉ đổ hết lên vai hai thành viên, còn lại bốn người thì… chẳng biết làm gì. “Cái gì Minh cũng rành hơn, mình có nhúng tay vô cũng làm không tốt bằng. Mà chuyện gì cũng do Minh nắm hết, có muốn làm cũng lại chạy đến hỏi. Cuối cùng Minh làm tất”, một thành viên thuộc nhóm “ở không” phân trần. Còn Minh, sau một thời gian choàng việc cho bạn bè đâm ra… quạu. Thế là công ty giải tán…
Không “bằng mặt mà không bằng lòng”
Câu chuyện này được ghi trong công ty thiết kế web của một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa. Trong buổi họp, có quá nhiều mâu thuẫn nảy sinh nhưng cuối cùng cũng giải quyết êm thắm. Thế nhưng khi vừa ra khỏi phòng, một thành viên lập tức ra ngoài và bắt đầu nhắn tin vào điện thoại của mỗi người để… nói xấu và kể tội đối phương. Kết quả là công ty biến thành… chiến trường cho hai phe ghìm nhau từng chút một. Cuối cùng, chuyện gì đến thì ai cũng có thể nghĩ ra.