Trong một tổ chức không thể tránh khỏi việc có những nhân viên vô kỷ luật, nói năng thiếu lịch sự, ăn mặc không phù hợp với nguyên tắc công sở, vệ sinh cá nhân kém… Là sếp, bạn lại phải “ra tay”.
Ảnh minh họa
Họ bộc lộ rõ thái độ chia rẽ nội bộ, tách rời đoàn thể trong các câu lạc bộ, bữa tiệc… Bàn làm việc của họ là một đống những thứ hổ lốn – dấu hiệu của một bộ óc không có tổ chức. Mọi thứ cứ vứt bừa bãi và lung tung.
Những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn ứng xử với những nhân viên vô kỷ luật một cách chuyên nghiệp.
Chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện. Nếu bạn là sếp, hãy nói với họ rằng bạn có một vài góp ý nhưng đừng quên hỏi: liệu họ có thể nói chuyện hay không. Họ sẽ cho bạn thời gian hoặc nói chuyện vào một lúc nào đó thích hợp hơn.
Bắt đầu nhẹ nhàng. Đừng có mào đầu bằng giọng “chiếu trên” kiểu như “Anh/chị phải thế này, phải thế kia…” Hãy cho họ cơ hội để chuẩn bị tâm lý cho những nhận xét có khả năng làm họ phải lúng túng. Nói với họ rằng bạn cần phải góp ý một vài điều hơi khó chịu. Hầu hết các trường hợp lãnh đạo phải đưa ra những phản hồi như vậy là vì đã có người bị những nhân viên phiền hà kia gây rắc rối.
Không gay gắt và đùn đẩy trách nhiệm. Bạn nhận được những lời phàn nàn về cách đối xử, thói quen hay cách ăn mặc của nhân viên này thông qua một vài người khác. Tuy nhiên đừng có đùn đẩy trách nhiệm như kiểu: “vì người này nói thế này, người kia nói thế kia nên tôi mới nhắc anh/chị…”. Chuyển sang tư thế là người bị xúi giục sẽ không phải là cách thông minh để cho bạn góp ý và chỉ làm cho kẻ quấy rối trở nên bất trị mà thôi. Bạn cũng không nên tỏ thái độ gay gắt bằng cách nhấn mạnh như kiểu đã có đến “vài chục người phàn nàn về anh/chị…” Càng làm họ bối rối thì tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Thẳng thắn và đơn giản là cách góp ý hiệu quả nhất. Đừng có quay họ như chong chóng. Hãy nói: “Tôi nói chuyện này là vì anh/chị cần phải khôn ngoan hơn để thành công trong công việc”.
Đến lúc nhấn mạnh. Hãy nhấn mạnh với họ rằng việc thay đổi cách cư xử trong quan hệ nơi công sở sẽ giúp họ có triển vọng thăng tiến hơn. Cho họ thấy rằng việc thay đổi như thế có tác dụng thế nào tới công việc và nghề nghiệp của họ.
Đưa ra hạn chót. Bạn hãy đưa cho những người vô kỷ luật một khoảng thời gian nào đó để thay đổi. Trong một vài trường hợp có thể là ngay lập tức hoặc là ngày mai. Một khung thời gian hợp lý sẽ giúp họ suy nghĩ và tự hiểu ra vấn đề.
Giám sát và kỷ luật. Sự thật là không phải lúc nào những người vô kỷ luật cũng dễ bảo. Hãy thử lại lần nữa và làm cho họ hiểu rõ hơn về vấn đề. Nếu đó là “kẻ bảo mãi không nghe” thì bước tiếp theo bạn có thể đưa ra một hình thức kỷ luật nghiêm khắc trong trường hợp tái phạm.
Việc thực hành những bước trên sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm hơn để “hướng thiện” cho những nhân viên vô kỷ luật. Đừng coi nhẹ việc góp ý hay khuyên răn họ. Chính điều này sẽ tạo ra cho bạn một đội ngũ nhân viên thành công và chuyên nghiệp.