“Quần áo vừa che đậy, vừa bóc trần con người”. Việc chăm sóc vẻ bề ngoài của một người cũng giống như việc trang trí một cửa hàng, làm sao cho hút khách. Đối với một doanh nhân, việc ăn mặc càng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành bại trong kinh doanh.
Ảnh minh họa
Bộ quần áo của doanh nhân phải đáp ứng được ít nhất 3 chức năng: giới thiệu, điều tiết, thông tin.
– Giới thiệu được hiểu rằng trang phục sẽ giới thiệu người mặc với cả thế giới xung quanh, đúng hơn là bạn sẽ tự bộc lộ bản thân thông qua trang phục đang mặc trên người.
– Điều tiết nghĩa là quần áo sẽ ảnh hưởng (thậm chí có thể làm thay đổi) sự liên hệ tương hỗ giữa các thành viên trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ, khi người phụ nữ đến công sở với chiếc áo trắng và váy ngắn (mà không phải đồng phục như quy định), cô ta có thể khiến cho một vài nam đồng nghiệp tỏ ý theo đuổi, chứ không tạo ra mối quan hệ công tác đơn thuần.
– Thông tin thể hiện ở việc bộ quần áo có thể chuyển tải các thông tin rất khác nhau về người đang mặc, kể cả những thông tin không nên tiết lộ: người này là ai, anh ta muốn biểu lộ tính cách bản thân như thế nào, anh ta nghĩ thế nào về sức thu hút của mình, cá tính của anh ta, gu thẩm mỹ, thu nhập cá nhân, văn hóa,…
Vậy trong trang phục của mình, các doanh nhân nên lưu ý đến điều gì nhất?
– Giá trị: Thông thường, giá trị bộ quần áo bạn đang mặc càng cao thì vị trí của bạn cũng cao tương xứng trong mắt người đối diện. Người ta tính giá trị dựa trên chất liệu, tần số xuất hiện (độ hiếm) của kiểu dáng và mối liên hệ với thời trang (tính hợp mốt) của trang phục.
– Kiểu dáng: Kiểu được coi là chỉ dành cho giới thượng lưu là hơi ôm vào thân và nhấn mạnh các góc, còn kiểu dành cho “thường dân” sẽ có nhiều đường cong hơn.
– Màu sắc: Dấu hiệu của VIP là trang phục ít màu sắc và gam màu đen – trắng luôn được coi là sang trọng. Màu xám tro và tất cả các sắc độ của màu xanh dương đậm cũng gây được thiện cảm. Nếu có sọc thì phải mảnh, nhỏ và không tương phản. Tóm lại tránh sự thu hút không cần thiết về màu sắc.
Có 3 sai lầm trong cách ăn mặc mà bạn, với tư cách là doanh nhân, không bao giờ được phép mắc phải: Chạy theo thời trang một cách quá nhiệt tình; Tự đề cao sự hấp dẫn của bản thân; Cho phép nguồn gốc xuất thân ảnh hưởng đến phong cách ăn mặc. Đây chính là những lực đẩy gián tiếp đưa bạn đến với thất bại trong việc tạo lập các mối quan hệ kinh doanh.
Riêng với nữ doanh nhân, trang phục của cô ấy phải toát lên vẻ cổ điển, mang phong cách riêng. Về màu sắc, đừng mặc một bộ trang phục có nhiều quá 3 màu nếu không muốn trở thành một bó hoa ngày tết. Các màu có thể tạo ấn tượng tốt là xanh dương, màu ô- liu, nâu, các gam màu nhạt, màu trung gian, các màu gợi sắc thiên nhiên (cát, đá, nước, cỏ cây…). Những màu chói và rực rỡ đều không phù hợp.
“Người được coi là ăn mặc đẹp là người biết ăn mặc phù hợp, hài hòa với chính mình và với mọi người xung quanh”. Vẫn biết “Cái áo không làm nên thầy tu” và bộ quần áo bạn đang mặc không thể biến bạn trở thành một doanh nhân thành đạt nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong sự nghiệp đấy.