Trong lúc môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối mặt với sự khan hiếm tài năng lãnh đạo. Sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội tìm việc, khi mà kinh nghiệm không còn là yếu tố then chốt trong một thông báo tuyển dụng hay đơn xin việc.
Ảnh minh họa
Chuẩn bị cho kế hoạch phát triển thị trường và mạng lưới tiêu thụ tại miền Trung, công ty thuốc lá nọ ồ ạt tuyển nhân viên. Ưu tiên đặt ra là tìm được một “siêu nhân” cho vị trí quản lý, có khả năng điều hành tốt, phát triển nhanh thị trường. Nhưng trong gần chục hồ sơ gửi đến, tìm đỏ mắt mới được một “hàng hiệu”… tạm vừa ý. Sau thời gian thử việc, ứng viên này cũng buộc phải loại bỏ, khiến kế hoạch của công ty chậm lại vài tháng.
Câu chuyện này minh chứng phần nào cho sự khan hiếm nhân lực giỏi của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là các ngành nghề liên quan đến tài chính (giám đốc tài chính..), quản trị và xử lý khủng hoảng, marketing, PR…
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Nam (Đại học Kinh tế, TP HCM) nhận xét: “Thị trường lao động hiện nay thật sự là một cuộc chiến săn tìm nhân tài quản lý giỏi. Các nhà tuyển dụng không thật sự đặt nặng vấn đề bằng cấp, mà chỉ muốn tìm người tài cho công ty mình. Tuy nhiên, việc này ngày càng trở nên khó khăn, khiến các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng bế tắc nguồn lực lãnh đạo để cạnh tranh với nước ngoài”. Nhận định này dựa vào thực tế quan sát trên 10 năm qua tại thị trường lao động TP HCM và các tỉnh lân cận (vùng lao động trọng điểm tại Việt Nam).
Có một thực trạng mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tuyển dụng nhân viên đều thuộc lòng: “Trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Tướng ở đây hiểu nôm na là người có khả năng đưa ra các quyết định làm thay đổi bộ mặt một doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Một vị tướng trẻ thời nay phải có đủ trình độ để chỉ huy cùng lúc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong một nền kinh tế đang thay đổi dữ dội như Việt Nam thì một bác sĩ cũng cần đến kỹ năng lãnh đạo chứ không chỉ biết kim tiêm, ống nghe…
Tự tin quan trọng hơn kinh nghiệm
Nỗi lo của sinh viên mới ra trường đi xin việc luôn là yếu tố kinh nghiệm. Nhưng trước sự khan hiếm nhân lực quản lý như hiện nay, yếu tố này không còn quan trọng trong xu hướng tuyển dụng lao động. Điều này thực sự mang lại sinh khí cho giảng đường đại học. Sự thay đổi chiến lược tuyển dụng của các doanh nghiệp ở chỗ tập trung tuyển dụng sinh viên mới ra trường hơn là người có kinh nghiệm. Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ công sức, thời gian và tài chính để đào tạo “gà chiến”.
Nếu tuyển dụng sinh viên, sau 2-3 năm doanh nghiệp có thể đào tạo được lãnh đạo giỏi, sử dụng lâu dài và đỡ tốn kém hơn là chọn nhân lực bên ngoài. Đơn cử như trường hợp tập đoàn Kinh Đô, một năm tiến hành tuyển nhân viên 6 lần và đối tượng chính vẫn là sinh viên.
Nói đến săn đầu người, nhiều người vẫn nghĩ đó là việc “dụ dỗ” người từ chỗ này qua chỗ khác làm việc. Thực tế sinh viên có tiềm năng rất lớn. Về lâu dài, chiến lược chung của doanh nghiệp là nhận sinh viên mới ra trường.
Hạn chế lớn nhất của sinh viên là thiếu tự tin và ít kinh nghiệm thực tế. Khiếm khuyết này là do thiếu kỹ năng xã hội, mà chưa được nhà trường chú trọng đào tạo. Ở nước ngoài việc này được chăm chút từ cách đi đứng, nói chuyện, ăn mặc, phát biểu trước công chúng…