Nơi có thể biến những mưu cầu thành lợi ích

Sự thành công của mỗi người không chỉ ở năng lực, thời cơ mà còn cần một môi trường sống và làm việc trong doanh nghiệp thật sự hoàn thiện. Ở đó họ có thể đối đầu với những thách thức để phát huy sở trường, mưu cầu sự thành công cho chính cá nhân mình và quyết định sự thành công của công ty

Ảnh minh họa


Thách thức sự thành công
Nguyễn Trần Tuệ, giám đốc phát triển kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn quảng cáo Anh 141 World Wide, nói rằng mọi thứ trong tương lai dễ dàng thay đổi nhưng có một điều anh luôn mưu cầu để đạt được thành công: đó là môi trường đem lại cho mình niềm đam mê và sáng tạo trong công việc.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quảng cáo tại Đại học Texas, Tuệ khởi đầu công việc đảm trách nhãn hàng của PepsiCo tại DPP International – một tập đoàn quảng cáo của Anh tại Dallas, Mỹ. Trong chuyến du lịch lần đầu về Việt Nam năm 2001, một công ty trong nước mời Tuệ đảm trách nhãn hàng Procter&Gamble. Lời mời khiến anh ngạc nhiên thích thú đã làm “đảo lộn” hoàn toàn công việc và cuộc sống của Tuệ.
Công việc của anh là hoạch định chiến lược quảng bá để tìm phương cách tốt nhất xây dựng thương hiệu cho các khách hàng là các công ty đa quốc gia tại Việt Nam… Tuy nhiên thách thức lớn nhất theo anh không phải là xây dựng nhãn hiệu cho các tập đoàn đã có tên tuổi mà là làm sao thuyết phục các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho thương hiệu một cách quy mô, dài hạn và nhìn vào tầm xa. “Cần những thương hiệu mạnh để cạnh tranh và vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Sự thành công của tôi vì thế còn được “đặt cược” vào môi trường phát triển kinh tế tại Việt Nam”, Tuệ nói.
Trong khi đó Nguyễn Chí Đức, giám đốc điều hành Crown Systems Vietnam hiện nay. 12 năm qua anh làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia với các vai trò khác nhau như phát triển thị trường, tư vấn kinh doanh, kiểm toán, quản lý điều hành… Anh chia sẻ: “Kinh nghiệm đem lại cho tôi là chọn công việc phải đặt sự thành công ở tầm xa hơn, chẳng hạn năm hay mười năm sau mình sẽ đạt đến điểm nào”.
Thách thức lớn nhất đối với anh hiện nay là phát triển một giải pháp phần mềm quản lý các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, xây dựng, công nghệ thông tin và viễn thông. Những lĩnh vực mà vấn đề quản lý hiệu quả dự án đang là mối quan tâm hàng đầu của cả xã hội.
Ở vai trò điều hành doanh nghiệp, Nguyễn Cao Tùng, giám đốc điều hành công ty Tân Thiên Niên Kỷ – một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam – cho rằng thách thức lớn nhất của anh là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nhân lực. Trong môi trường đó anh phải tiếp xúc hàng ngày với con người, với đối tác, đối diện với các cơ hội thăng tiến lẫn sự rủi ro… Tất cả luôn thay đổi, tạo sức ép lên cá nhân và ngược lại cũng là nguồn cảm hứng để sáng tạo trong công việc.

Môi trường giúp biến mưu cầu thành lợi ích
Trong thế giới đa văn hoá ngày nay, sự thành công dù ở bất cứ công ty nào theo Nguyễn Trần Tuệ cũng phải được hiểu đúng theo môi trường mà mình đang sống và làm việc. Một môi trường tốt là nơi người ta có thể gắn kết được những mưu cầu cá nhân với lợi ích của doanh nghiệp. Chẳng hạn sau nhiều “cú sốc văn hoá” khi trở về nước làm việc, anh nhận ra rằng tính chuyên nghiệp ở đây còn được đặt trong những mối quan hệ gần gũi và tế nhị mang tính gia đình.
Trong khi đó, Nguyễn Chí Đức cho rằng mình may mắn được làm việc trong các công ty đa quốc gia, ở đó môi trường có tính chuyên nghiệp cao vì thế rút ngắn những khoảng cách khác biệt về văn hoá, tập quán quản lý hay năng lực chuyên môn. Tuy nhiên theo anh để đạt được điều đó người quản lý doanh nghiệp không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi về thuật dùng người. Nếu không, các chính sách về con người được đặt ra vẫn chỉ trên lý thuyết.
Mỗi công ty dù lớn hay nhỏ, trong nước hay đa quốc gia theo họ đều có vấn đề riêng nhưng nếu gắn kết được con người hành động vì mục đích chung thì môi trường sẽ tốt hơn so với một công ty khác. Tương tự, theo Nguyễn Cao Tùng, nhân sự dù ở đâu cũng nhắm đến các mục tiêu: lương bổng và phúc lợi; môi trường làm việc và văn hoá công ty; cơ hội phát triển và đào tạo; các cơ hội để thể hiện cá nhân… Trong khi đó mỗi cá thể xuất phát từ những nền tảng khác nhau về học vấn, xã hội, tôn giáo, văn hóa vì thế để nhân sự trở thành tài nguyên quý không chỉ ở năng lực mà còn ở chỗ họ chấp nhận đồng thuận với mục tiêu của công ty, gắn kết được họ là thách thức lớn nhất của người quản lý.
Theo Nguyễn Trần Tuệ, nếu chọn một công việc, điều quan trọng là trong môi trường đó đối tác của mình là ai, văn hóa của công ty đó như thế nào và môi trường giao tiếp có phù hợp. Dù đồng lương cao nhưng không phù hợp với một môi trường chung dẫn đến lãng phí thời gian. Theo anh, trong môi trường làm việc đa quốc gia ngày nay, muốn định nghĩa “diversity” (tính đa dạng) về văn hoá là gì, người ta cần tìm hiểu các cá nhân với một cách nhìn thoáng và tư tưởng tiến bộ thì các khoảng cách sẽ ngắn lại.
Nguyễn Cao Tùng cho rằng văn hoá của doanh nghiệp mang tính bền vững thì ở đó tạo được sự tác hợp lâu dài giữa nhân sự và công ty. Một môi trường mà văn hoá doanh nghiệp định nghĩa được văn hoá cá nhân sẽ giúp tôn vinh được những giá trị chung. Những mưu cầu về lợi ích của cá nhân tự nó sẽ hài hòa và những kế hoạch của họ sẽ tiệm cận với mục tiêu của công ty.
Theo kinh nghiệm của Nguyễn Chí Đức, ai cũng hãnh diện khi được làm trong những công ty tên tuổi lớn với tầm cỡ đa quốc gia. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ vào quan niệm của từng người, bạn muốn làm “một con cá lớn trong một ao nhỏ hay là một con cá nhỏ trong một ao lớn”. Cuối cùng anh tâm đắc với câu nói của Hermawan Katajaya, chủ tịch Hiệp hội marketing thế giới trong buổi hội thảo về xây dựng thương hiệu ở TP.HCM rằng “làm một con cá lớn trong cái ao nhỏ tốt hơn làm một con cá nhỏ trong cái ao lớn”.
“Nếu trong một môi trường mà người ta thỏa sức sáng tạo và vẫy vùng sẽ đem lại cho họ niềm tin về sức sống tương lai của doanh nghiệp đó, trong đó dễ dàng để lại dấu ấn của cá nhân họ. Mưu cầu đó của các cá nhân trong một công ty tựa hồ như cảnh “thuyền xô sóng dậy, sóng đẩy thuyền lên”, Nguyễn Cao Tùng ví von.