Những tình huống làm đau đầu sếp nữ

Sếp nữ có thể rất được nhân viên kính trọng, yêu mến nếu làm điều đúng. Nhưng họ cũng không thể tránh khỏi những phán đoán sai và suy xét quá nữ tính, tủn mủn. Đặc biệt, khi nhân viên là nam giới, những tranh cãi và mâu thuẫn rất dễ xảy ra.

Ảnh minh họa

Để cân bằng kiểu quản lý hai mặt này, bạn hãy tham khảo tình huống và cách tháo gỡ sau.
1. Tình huống: Một nam nhân viên rất có năng lực, làm việc gì cũng xuất sắc, nhưng lại mắc bệnh lười, thiếu trách nhiệm, thường bê trễ giờ giấc. Bạn vừa trọng dụng vừa bực mình. Phê bình thì ngại, sợ anh ta tự ái, không khiển trách nhắc nhở lại không được.
Giải pháp: Với những người có cá tính hơi gàn như thế, bạn càng không nên lớn tiếng. Đừng la mắng anh ta theo kiểu: “Tôi chán anh lắm rồi!”, hay “Anh là đồ vô tích sự…”.
Nên gọi anh ta đến, bông đùa vài câu chuyện phiếm, sau đó từ từ đưa anh ta vào công việc cụ thể. Nên dùng từ: “Anh cố gắng hợp tác với tôi, tôi tin anh nên đừng làm tôi thất vọng”.
2. Tình huống: Một nam nhân viên của bạn nổi nóng vì cho rằng bạn cư xử với mọi người chưa công bằng. Anh ta nặng lời với bạn và cho rằng: “Cô đúng là đàn bà không biết gì về quản lý!” Bạn sẽ nóng, mắng cho anh ta một trận hay run lên vì sợ?
Giải pháp: Hai biểu hiện trên không phải là cách cư xử của người xếp có bản lĩnh. Bạn nên bình tĩnh và nghiêm trang nói: “Tôi nghĩ anh đang nóng, chúng ta sẽ nói chuyện này sau”. Đợi cho đến khi anh ta nguôi ngoai, hãy gọi anh ta đến và giải thích cặn kẽ.
Hãy nhớ một điều quan trọng: Chỉ giải thích đúng mực chứ không phải xuống nước dàn hoà.
3. Tình huống: Tình cờ, bạn nghe được từ một cô nhân viên, vốn từng là một đồng nghiệp ngang hàng với bạn trước đây, nói xấu về bạn: “Cô ta giỏi giang gì, thậm chí còn tệ hơn tôi, chẳng qua biết lấy lòng cấp trên”.
Giải pháp: Tuyệt đối không đến tận mặt và mở hết công suất để mắng cô ta một trận cho hả giận . Hãy mời cô ấy đi dùng cơm trưa: “Mình có chuyện muốn tâm sự và cần sự giúp đỡ của bạn”. Gặp mặt rồi hãy phê bình thẳng thắn và chứng minh bản lĩnh của mình: “Tôi đi lên bằng năng lực của mình, vì thế nếu không ủng hộ, bạn cũng đừng nên nói xấu tôi như thế”.
4. Tình huống: Dạo gần đây, bạn phát hiện nhân viên không còn thân thiện với mình nữa. Hễ bạn đến gần nói chuyện, họ lại lảng đi…
Giải pháp: Không nên ghét và bắt lỗi nhân viên trong công việc. Cũng đừng có suy nghĩ: “Ối dào, mình là sếp, cần gì họ thích hay không”. Nếu tìm hiểu lý do, tìm cách tháo gỡ và tiếp tục xích lại với mọi người. Người quản lý thành công không chỉ được cấp trên tin cậy mà cần nhân viên yêu mến.