Tạo động cơ làm việc tích cực cho nhân viên

Bạn có muốn lãnh đạo một nhóm người làm việc hăng say, không nghỉ việc thường xuyên, không tìm cơ hội làm việc ở những nơi khác và đóng góp nhiều cho doanh nghiệp? Theo Alan Fairweather, tác giả của cuốn “How to get more sales by motivating your team” (*) thì nếu đang có ý định làm điều này, bạn cần thực hiện ba điều dưới đây

Ảnh minh họa


Dành ra một ít thời gian “có chất lượng”
Ở đây tác giả đặt mạnh đến “chất lượng”, chứ không phải “số lượng”. Việc dành ra một, hai phút thời gian có chất lượng, thường xuyên mỗi ngày, sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều để tạo quan hệ tốt với các thành viên của nhóm so với việc bỏ ra một giờ mỗi năm để thực hiện các cuộc đánh giá hằng năm.
Là một nhà lãnh đạo nhóm, bạn cần phải hiểu từng thành viên trong nhóm và họ cũng phải hiểu bạn. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng được quan hệ tích cực với mỗi thành viên, tạo cho họ có ấn tượng rằng bạn đang quan tâm đến họ, sẵn sàng đứng ra giúp họ giải quyết các khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân.
Khi dành ra một khoảng thời gian có chất lượng để làm việc với nhân viên, bạn còn khuyến khích họ đưa ra các quan điểm và ý tưởng nhằm hoàn thiện công việc và bạn có thêm cơ hội giải thích với họ những mục tiêu, sứ mệnh của doanh nghiệp. Điều này cũng tạo cho nhân viên cảm giác gắn bó với công việc của tổ chức – một động cơ rất lớn khiến họ làm việc tích cực hơn.

Phản hồi và dẫn dắt
Bạn cần thường xuyên trò chuyện với từng thành viên của nhóm khi họ làm việc tốt, cũng như khi họ làm việc chưa tốt.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng: “Tại sao tôi phải khen ngợi người khác khi họ chỉ làm những điều để được trả lương?”. Nếu thật sự muốn có một đội ngũ làm việc tích cực, bạn cần phải bày tỏ cho các thành viên trong nhóm biết rằng bạn đánh giá cao về họ khi họ làm việc tốt.
Khi các thành viên của nhóm làm việc không tốt, bạn cũng cần phải có những ý kiến phản hồi và động viên, hướng dẫn họ hoàn thiện công việc tốt hơn. Trên thực tế có rất nhiều giám đốc bỏ mặc, hoặc thậm chí trút giận lên nhân viên khi họ có cách làm việc hay hành xử chưa tốt.

Tin tưởng nhân viên
Chúng ta đang bước vào giai đoạn “giao phó quyền lực”, một kiểu quản lý bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp từ những năm 1980 và đang ngày càng trở nên phổ biến.
Theo thuyết chuyển giao quyền lực, các nhà quản lý là những người biết cách sử dụng, khai thác tri thức, kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và động cơ làm việc của các thành viên trong nhóm một cách có hiệu quả nhất để đạt được một mục tiêu nào đó. Điều quan trọng là họ chỉ có thể làm được điều này nếu tin tưởng vào các nhân viên thuộc cấp và khuyến khích phát huy hết tâm huyết và năng lực để phục vụ cho công việc.