Một tiến sĩ khoa học vừa email thông báo cho người viết biết rằng: anh vừa ngậm ngùi quay trở lại TP.HCM sau một thời gian ngắn về một tỉnh làm việc theo lời rao thu hút nhân tài của địa phương này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Anh kể rằng không như thông báo đãi ngộ, hồ sơ của anh được ban tổ chức chính quyền tỉnh giao về trường đại học nhưng trường lại không muốn nhận với lý do đã đủ biên chế, đến lúc nhận rồi cũng chỉ là sự miễn cưỡng, số tiết dạy được phân không nhiều, làm gì cũng bị so sánh là nhân tài phải thế nọ thế kia, trong khi ngoài vài triệu đồng nhận theo chủ trương thu hút nhân tài thì không còn đãi ngộ gì khác…
Đó không phải là trường hợp duy nhất đã tỏ ra vỡ mộng về chính sách thu hút nhân tài đang thực hiện tại một số địa phương. Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại khá, giỏi được các lãnh đạo của địa phương mở rộng vòng tay đón nhận, phân về các đơn vị, nhưng sau đó các đơn vị đã đùn đẩy qua lại, thủ tục rườm rà và nhận người trong tình thế bị buộc phải nhận.
Tiếp theo đó là phân công công việc không hợp lý, cơ hội làm việc không có, hầu hết phân bổ về các đơn vị hành chính sự nghiệp nên đồng lương trả cho nhân tài được tính theo mức xếp hàng theo thâm niên… Đó là lý do khiến đa số những người được tuyển dụng làm chỉ một thời gian ngắn là chuyển sang các doanh nghiệp hoặc công ty nước ngoài.
Kết quả của chính sách thu hút nhân tài không phải nằm ở con số bao nhiêu người để báo cáo, mà là việc bao nhiêu người được tuyển dụng cảm thấy hài lòng với công việc, bao nhiêu người phát huy được chất xám của mình và bao nhiêu người có được công trình khoa học ứng dụng vào thực tiễn công việc. Thực tế của việc thu hút nhân tài tại một số địa phương thời gian qua chỉ mới dừng lại ở những con số chưa nói lên được điều gì.
Người tài cần môi trường để làm việc thể hiện mình và sự đãi ngộ vật chất xứng đáng chứ không phải cần lấy tiếng và hình thức, trong khi chính sách thu hút nhân tài tại nhiều địa phương về thực chất đang chạy theo hình thức và thành tích là chính. Mấy năm trước, sau khi Bình Dương, Đồng Nai công bố chính sách đón người giỏi từ các nơi về làm việc, mọi miền bỗng rộ lên phong trào thu hút người tài.
Cho đến bây giờ, ít có địa phương nào chưa công bố chính sách tuyển dụng nhân tài, có địa phương thấy tỉnh bạn thu hút nhân tài thì tỉnh mình cũng phải phát lời rao để khỏi mang tiếng không thu hút người tài, cũng có địa phương thông báo được một thời gian rồi mọi việc chìm vào quên lãng.
Địa phương nào cũng rao tuyển dụng nhân tài theo những tiêu chuẩn giống nhau (20 triệu đồng đối với giáo sư, 15 triệu với tiến sĩ, 10 triệu với thạc sĩ…) cùng nhiều đãi ngộ khác, nhiều người đã được “thu hút” rồi mới phát hiện thực tế không như những lời rao.
Tính hình thức thể hiện rõ nhất và bất hợp lý nhất ở việc địa phương nào cũng thông báo sẵn sàng mở rộng đón người tài ở tất cả các ngành, cho dù có những lĩnh vực hoàn toàn không phải là thế mạnh của địa phương đó. Thay vì chỉ chọn một số ngành cần thiết cho sự phát triển của địa phương để tập trung kêu gọi nhân tài, hiện nay các nơi đều chủ trương đón tất cả các tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân khá giỏi ở tất cả các ngành.
Một chuyên gia về địa lý không thể hài lòng khi đến một địa phương làm việc mà ở đó không có một cơ sở nào nghiên cứu về địa lý, hoặc việc đón một cử nhân xuất sắc học ngành dầu khí về làm việc sẽ chẳng có kết quả gì khi địa phương đó hoàn toàn không có tiềm năng dầu mỏ. Việc “thu hút nhân tài tổng hợp” như vậy đã dẫn đến sự lãng phí không chỉ về tiền bạc mà cả về nguồn lực, những người có khả năng được đón về sau một thời gian ngồi chơi xơi nước đã phải ra đi cho dù Nhà nước đã tốn rất nhiều tiền vào đó.