Muốn điều hành tốt “cỗ máy” sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải xây dựng một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng. Những doanh nghiệp thành công, phần lớn đều biết cách thu hút và giữ chân nhân tài.
Ảnh minh họa
Đôi khi một nhân viên dứt áo ra đi không phải vì điều kiện công tác tồi mà vì họ thấy một cơ hội tốt hơn ở nơi khác. Không chóng thì chầy, các đối thủ có thể tìm ra một điểm nào đó không ổn trong cơ cấu của công ty bạn và đưa ra những lời chào mời hấp dẫn. “Củ cà rốt” mà đối thủ đưa ra là: thăng tiến ở vị trí cao hơn, cơ hội đào tạo ở nước ngoài, lương bổng và các chế độ khác tốt hơn… Thế là nhân viên của bạn nói lời chia tay.
Một nhân viên chủ chốt, nếu không được nhìn nhận sự đóng góp, không được đánh giá đúng năng lực hoặc ý kiến của họ đưa ra, không được lắng nghe thì cũng rất dễ ngã lòng trước những lời mời chào khác. Nếu người đó không cảm nhận được sự tin tưởng và hy vọng của cấp trên đối với mình thì càng muốn nói lời chia tay.
Chính sách không rõ ràng cũng là một nguyên nhân khiến nhân viên chủ chốt không hứng khởi tiếp tục công việc tại công ty. Liệu họ có ở lại không khi cảm thấy không hài lòng về hiện tại, lo lắng về tương lai?
Những lý do khác làm cho nhân viên không muốn tiếp tục công việc với công ty có thể là: không thích phong cách của sếp trực tiếp, không hòa đồng được với môi trường văn hóa công ty hoặc không còn hứng thú với công việc.
Tình cảm, quan hệ giữa mọi người trong công ty, giữa cấp trên và cấp dưới là một mối ràng buộc, đặc biệt là đối với người châu Á thường hay coi trọng tình cảm. Trong những trường hợp mối quan hệ lỏng lẻo, nhân viên sẽ dứt áo ra đi dễ dàng hơn nếu có một tác động nhỏ từ bên ngoài, hoặc từ những nguyên nhân phát sinh trong công ty, công việc…
Lãnh đạo phải xác định được những nhân viên nào cần giữ lại. Đối với lãnh đạo cao nhất, không thể tự mình giữ chân tất cả nhân viên mà nên thực hiện theo từng bậc hình tháp qua việc đánh giá năng lực của cấp dưới.
Người lãnh đạo cấp dưới sẽ đánh giá và giữ chân những nhân viên giỏi thuộc quyền. Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy dành thời gian trao đổi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những nhân viên chủ chốt, cố gắng thỏa mãn nhu cầu của họ một cách hợp lý nhất. Cần lưu ý rằng, việc trả lương, thưởng cũng phải hợp lý theo “thị trường” chứ không nhất nhất phải theo cơ chế nội bộ của công ty. Vì họ có thể dễ dàng ra đi theo những lời mời chào hấp dẫn từ bên ngoài. Vả lại, những nguyên tắc của công ty bạn có thể đã lỗi thời và không còn phù hợp với họ nữa.
Cần xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên của mình, đặc biệt là những nhân viên chủ chốt. Từ đó, tạo nên một thứ văn hóa công ty mà tất cả nhân viên ràng buộc với nhau không chỉ với tinh thần đồng đội, đồng nghiệp mà như những người thân. Duy trì quan hệ tốt bằng những việc có thể rất nhỏ nhặt như tặng quà sinh nhật, hỏi thăm chuyện gia đình, quan tâm lúc ốm đau… Quan tâm nhiều hơn đến nhân viên và cho họ thấy được tầm quan trọng của họ đối với công việc và công ty. Từ đó, có thể hình thành lòng trung thành, sự tin tưởng và phải biến chúng thành sự cam kết cộng tác. Tạo cơ hội tốt nhất cho nhân viên phát huy hết năng lực để có thể cống hiến cho công ty, cũng như thỏa mãn được tính hiếu thắng và tự mãn của họ.