Ảnh minh họa
Alibaba Group hy vọng đứa con cưng Alibaba.com sẽ phải là một công cụ đắc lực, hỗ trợ những DN xuất nhập khẩu toàn thế giới
Ra đời vào tháng 3 năm 1999, sự lựa chọn thương hiệu Alibaba ban đầu đối với Jack Ma đơn giản chỉ vì ông muốn Cty của mình phải mang tầm quốc tế, và vì thế mà ông đã chọn tên Alibaba cho dễ nhớ vì ai trên thế giới mà chẳng biết câu chuyện thần thoại Alibaba và câu thần chú “Vừng ơi, mở ra”.
Mở cánh cửa giao thương
Jack Ma cùng 17 nhà sáng lập khác hi vọng cũng như câu thần chú đó. Jack Ma có một niềm tin mãnh liệt rằng tầm nhìn toàn cầu sẽ chiến thắng cách tư duy địa phương. Chính vì thế ông xác định cho Alibaba một mô hình kinh doanh nhằm hỗ trợ tối đa cho các DNNVV. Alibaba không sao chép lại các dự án thương mại điện tử thành công từ Mỹ như các Cty khác với mục tiêu bán được càng nhiều hàng càng tốt, Alibaba tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm hỗ trợ tốt hơn, tốt hơn nữa cho DN.
Chờ chính phương châm kết nối giao thương toàn cầu, giúp đỡ những nhà xuất nhập khẩu trên thế giới tìm thấy nhau và tìm được những cơ hội hợp tác, website Alibaba.com nhanh chóng phát triển vươn xa khỏi thị trường Trung Quốc. Và thương hiệu Alibaba dần trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới và chiếm vị trí số 1 trong mô hình thương mại điện tử giữa DN với DN (B2B).
Chỉ sau hai năm thành lập, đến tháng 12 năm 2001, số thành viên và khách hàng thường xuyên giao dịch trên Alibaba.com đã lên đến 1 triệu người đến từ 202 quốc gia. Năm 2005, con số thành viên là 7.5 triệu người, đưa Alibaba.com trở thành Website TMĐT B2B tốt nhất và lớn nhất trên thế giới, theo đánh giá của các tạp chí kinh tế như Forbes và các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT.
Đến nay, trải qua 15 năm phát triển liên tục và bền vững, Alibaba.com vẫn là người khổng lồ chưa có đối thủ trên sàn đấu quốc tế trong mô hình thương mại điện tử B2B. Với hàng chục triệu thành viên đến từ 242 quốc gia, và mạng lưới chi nhánh tại hơn 20 nước trên thế giới, Alibaba.com luôn hứa hẹn những cơ hội giao thương quốc tế hấp dẫn cho những DN xuất nhập khẩu, cũng như thúc đẩy sự phát triển của thương mại tự do trên thế giới.
Con đường không chỉ có hoa hồng
Chặng đường phát triển của Alibaba.com bên cạnh những mốc son thành công đáng ghi nhớ cũng là không ít chông gai. Sự phát triển nhanh chóng của Alibaba khiến họ đối mặt với vấn đề như bất cứ một Cty lớn nào khi bong bóng Dot-com vỡ vào năm 2001, họ buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên và đến đầu năm 2012, Alibaba chỉ đủ tiền mặt để tồn tại trong 18 tháng. Chính trong thời điểm đó, Alibaba quyết định tung ra sản phẩm cho phép các nhà xuất khẩu nội địa có cơ hội gặp gỡ trực tuyến với các khách hàng Mỹ. Mô hình đó đã cứu Alibaba ra khỏi cảnh túng quẫn và từ đó, họ bước từng bước vững chắc trên con đường trở thành một trong những Cty thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, việc “xuất thân” là một website TMĐT Trung Quốc nhưng lại mang “tham vọng” chinh phục cả thế giới, Alibaba.com cũng gặp phải nhiều khó khăn về những khác biệt trong văn hóa kinh doanh khi gõ cửa từng quốc gia. Các chính sách marketing, dịch vụ gia tăng, chăm sóc khách hàng… đều là những vấn đề lớn và cần được khéo léo điều chỉnh.
Bên cạnh rào cản văn hóa, một khó khăn nữa mà bất kì mô hình TMĐT nào cũng gặp phải, đó là vấn nạn lừa đảo trên mạng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, Alibaba.com cũng đồng thời phải đối mặt với sự gia tăng của những nguy cơ tấn công nhằm vào các nhà xuất nhập khẩu thành viên của mình.
Không thể cản bước
Alibaba.com mang lại cho DN cơ hội được kết nối hoàn toàn tự do với hàng chục triệu DN thành viên khác trên toàn cầu
Cái tên Alibaba.com hiện nay đã trở thành một thương hiệu bảo lãnh thành công cho các DN xuất nhập khẩu trên toàn thế giới. Là câu thần chú mở cánh cửa giao thương quốc tế, Alibaba.com mang lại cho DN cơ hội được kết nối hoàn toàn tự do với hàng chục triệu DN thành viên khác trên toàn cầu mà không cần phải bỏ chi phí đầu tư vào hoạt động marketing hay tham gia những hội chợ triển lãm quốc tế đắt đỏ. Tận dụng những thế mạnh của TMĐT, Alibaba.com không chỉ hỗ trợ DN trong khâu tìm kiếm đối tác, mà còn giúp DN tìm hiểu thị trường muốn tham gia, phân tích đối thủ cạnh tranh, mang đến cho DN một cái nhìn toàn cảnh hơn về phương hướng chiến lược phát triển kinh doanh của mình trong dài hạn.
Nếu coi những khó khăn trên là rào cản, thì người khổng lồ Alibaba.com vẫn cần mẫn dỡ bỏ chúng hàng ngày. Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc vừa công bố giá cổ phiếu trong phiên chào bán sẽ dao động trong khoảng 60-66 USD, nhằm huy động số vốn 24,3 tỷ USD.
Trong tài liệu cập nhật gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cuối tháng trước, Alibaba công bố kết quả kinh doanh quý II vượt xa dự đoán. Theo đó, doanh thu của hãng tăng 45% lên 2,15 tỷ USD. Lợi nhuận hoạt động lên 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lãi ròng cũng tăng hơn gấp đôi lên 2 tỷ USD.
Không chỉ vì mục đích thu lợi nhuận, Jack Ma – ông chủ của Alibaba Group, còn hy vọng đứa con cưng Alibaba.com sẽ phải là một công cụ đắc lực, hỗ trợ những DN xuất nhập khẩu toàn thế giới, cùng đồng hành với Alibaba và cùng thu được thành công trên mỗi bước đường phát triển của Alibaba.com.
Theo dddn