Làm cách nào để có thể chiếm lĩnh ngành công nghiệp thẻ trong nước là câu hỏi đang đặt ra với nhiều DN Việt. Nhưng doanh nhân Nguyễn Trọng Khang, người sáng lập – Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tập đoàn MK đã trả lời xuất sắc câu hỏi này và hơn thế, anh đã ghi danh Việt Nam vào bản đồ bảo mật thế giới.
ảnh minh họa
Nếu tình cờ bạn gặp một người đang thổ lộ niềm say mê với công nghệ thẻ thanh toán với sự nhiệt tình và hào hứng tưởng như không bao giờ nguội, đó chỉ có thể là Nguyễn Trọng Khang.
Thị trường mới trong hành tinh ngày một thông minh
Khởi nghiệp từ năm 1999, chỉ sau 4 năm, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang đã có thể đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất các loại thẻ như: thẻ chip, thẻ SIM, thẻ cào, thẻ từ, thẻ cảm ứng… đáp ứng mọi nhu cầu về bảo mật và an toàn của các tổ chức quốc tế do MK Smart, Cty thành viên MK Group, điều hành. Với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, Cty Cổ phần Thông minh MK hiện là nhà sản xuất thẻ lớn nhất Việt Nam, có khả năng sản xuất hơn 100 triệu thẻ/năm và cá thể hóa tới 60.000 thẻ/ngày. Đáng chú ý là dây chuyền này đã được Tổ chức MasterCard và Visa cấp chứng nhận đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp và cá thể hóa thẻ tài chính. Hiện công ty thu hút được đầu tư từ các quỹ tài chính lớn như IDG Capital, Mekong Capital…
– Điều gì là quan trọng nhất để anh dẫn dắt MK trở thành nhà sản xuất thẻ điện tử số 1 ở VN hiện nay?
Ngay từ đầu, tôi đã xác định, với lĩnh vực công nghệ ở nước ta, chỉ có “đi tắt đón đầu” mới là yếu tố dẫn đến thành công.
Ngay từ khi bước vào ngành sản xuất thẻ, tôi đã hình thành chiến lược tăng trưởng thông qua khả năng kết hợp một lúc cả 3 nhóm thế mạnh nổi trội: giá cả thấp – chất lượng cao, các dịch vụ và giải pháp khác biệt hóa và khả năng tập trung nguồn lực vào một mảng thị trường đặc thù – anh Khang chia sẻ.
Các DN Việt Nam muốn đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thì phải phát triển thị trường trong nước đã, sau mới ra nước ngoài. Mặc dù MK tham gia ngành công nghiệp thẻ từ 12 năm trước, nhưng tôi nhận thấy cơ hội cho các DN Việt còn ở phía trước và đây mới đang là những bước đầu.
Ví dụ như ở MK, hiện chúng tôi chiếm tới 80% thị phần trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng viễn thông thì rất ít, chỉ mới ở mức khiêm tốn 10-20%. Nếu chiếm được 50% thị phần sim thẻ viễn thông thôi thì doanh thu của 50% thêm ấy cũng đã là 35-40 triệu USD rồi. Rõ ràng cơ hội vẫn còn đó!
– Vậy theo anh, cần phải làm gì để các DN Việt có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước?
Tôi nghĩ phải có lòng tin. Trước hết là chính các DN Việt Nam phải có lòng tin rằng, mình có thể cung cấp ra những sản phẩm chất lượng tốt không kém gì người nước ngoài, thậm chí là tốt hơn và có giá phải chăng. Nếu bản thân DN không tin vào những gì mình làm ra thì cũng không thể khiến khách hàng tin được vào hàng hóa của mình.
Thứ 2 là người tiêu dùng tin vào hàng Việt, không chạy theo những sản phẩm khác chỉ vì mác ngoại.
Và thứ 3 là sự hỗ trợ về chính sách và cơ sở hạ tầng của Chính phủ cho các DN phát triển.
Theo tôi, những sản phẩm nào mà Việt Nam có thể sản xuất được thì nên hạn chế sự tham gia của DN nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi mới chỉ chiếm con số ít ỏi trong thị phần sim thẻ viễn thông là do mức độ cạnh tranh với DN nước ngoài rất lớn. Hiện sản phẩm sim thẻ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đều có thuế suất bằng 0.
Đây đã là một thiệt thòi lớn cho các DN trong nước. Nếu áp mức thuế cao hơn hoặc hỗ trợ cho các DN trong nước hưởng mức thuế như thế thì câu chuyện sẽ khác.
– Và thị trường của MK là?
Bên cạnh thẻ thông minh cho ngân hàng, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam hiện nay cũng là một thị trường hấp dẫn cho những đơn vị sản xuất như MK. Đáng tiếc, 70% SIM card Việt Nam đang có mặt trên thị trường đều nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thị trường hấp dẫn nhưng cũng tồn tại rất nhiều thách thức. Vì điều này mà ngay trong giai đoạn kinh tế được xem là khó khăn như hiện nay, MK vẫn không ngừng đầu tư vào phát triển công nghệ. Ước mơ của tôi là có thể đưa ra thị trường những SIM card 1 SIM nhưng 2 số, lưu hơn 1.000 danh bạ và tích hợp luôn cả thanh toán điện tử… Nhưng, để tiến đến được điều này, MK phải thuyết phục được những nhà cung cấp dịch vụ. Hơn 20% thị phần SIM card tiêu thụ trong nước đã thuộc về MK Group nhờ bước đi chiến lược và thuyết phục là công nghệ.
…đến tư duy thông minh
Theo đánh giá của Nilson Report, MK được xếp hạng là DN đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có nhà máy sản xuất thẻ thông minh. Không những thế, MK được nhắc đến nhiều trong giới kinh doanh công nghệ thẻ thông minh trên thế giới, nằm trong top 10 nhà sản xuất SIM điện thoại lớn nhất toàn cầu và là một trong 10 nhà sản xuất thẻ tài chính có độ bảo mật cao trên thế giới. “Chúng tôi không kinh doanh thẻ, mà là kinh doanh giải pháp”, Nguyễn Trọng Khang khẳng định.
– MK có kế sách gì để tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới?
Chúng tôi chỉ là một công ty chủ yếu tạo ra các giải pháp công nghệ chứ không phải là những đơn vị có vai trò trực tiếp thay đổi thói quen người tiêu dùng. Do đó, MK chỉ đóng góp bằng cách cập nhật công nghệ mới từ nước ngoài và sau đó trao đổi, chia sẻ cho các DN trong nước để họ nắm được và cùng phát triển.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước để đưa ra những định hướng phát triển công nghệ tốt nhất. Có thể nói, phải làm sao từ công nghệ chúng ta có thể tạo ra được giá trị xã hội, đưa công nghệ vào giải quyết các vấn đề của xã hội như: thanh toán giao dịch, đóng thuế, bảo hiểm xã hội… Nếu bạn đi về những vùng quê sẽ thấy người dân khó lòng thực hiện được các giao dịch online. Vì vậy, những công nghệ hỗ trợ giao dịch offline sẽ là vô cùng quan trọng.
– Vậy “giải pháp” để phát triển của anh là gì?
Ngành công nghiệp thẻ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, 70% dân số vẫn chưa biết dùng đến các dịch vụ tài chính.
Trong thế giới phẳng, không nghiên cứu chuyên sâu, không tạo được khác biệt thì khó lòng bứt phá. Phương châm kinh doanh của tôi là “sáng tạo + công nghệ đỉnh cao + lĩnh vực cốt lõi = sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ”
Tôi chọn cách thức Apple đã làm và đã thành công, đó là tập trung xây dựng công nghệ lõi, xây dựng các nền tảng ứng dụng tiện dụng cho người dùng. Là người đam mê công nghệ, tôi thích một cuộc chơi mà ở đó mình sẽ làm chủ công nghệ. Tôi không thiên về sản xuất. Muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, phải cần đến phần công nghệ lõi, những giải pháp bảo mật đi kèm sản phẩm thẻ”.
– Nhưng không thể không tính đến yếu tố rủi ro, thưa anh?
Nếu sợ rủi ro không dám làm sao biết được sẽ thành công hay thất bại. Tuy nhiên, mình phải xem xét vấn đề như thế nào để rủi ro ít nhất. Nhưng lý thuyết cũng chỉ là tương đối, kinh doanh đôi khi còn ăn nhau ở cái sự liều. Việc khai phá “mảnh đất” mới sẽ tạo cho DN lợi thế của người đi đầu.
Vì nếu nhìn thấy cơ hội ở lĩnh vực đó mà không làm, người khác sẽ làm. Và nếu đi sau, không có sự khác biệt sẽ rất khó khăn, bởi khi đó đối thủ đã trở nên lớn mạnh. Hơn nữa, khi bắt tay vào làm việc, chính mình sẽ có sự trải nghiệm trong vấn đề đó, từ đó rút kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa rủi ro.
Chính vì vậy, với những thành công mà tôi cho rằng là bước đầu như vậy, theo tôi, để thực hiện được sứ mệnh của mình, MK phải luôn thỏa mãn tối đa nhu cầu khách hàng, là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của DN.
– Xin cảm ơn và chúc anh “thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng”!
Theo dddn