Chủ nợ thành cổ đông

Trong quan hệ vay mượn làm ăn, thường người cho vay chỉ mong muốn người đi vay làm ăn khấm khá để có thể trả nợ và lãi vay đúng hạn. Thế nhưng, có những lúc người đi vay làm ăn không hiệu quả, không trả được lãi vay thậm chí cả nợ gốc. Lúc này, chủ nợ buộc phải tìm cách thu hồi lại vốn.
ảnh minh họa

Khi người vay không trả được nợ, thông thường tài sản đảm bảo sẽ được đưa ra xử lý đầu tiên. Tuy nhiên, khi kinh tế ngưng trệ, số công ty ngấp nghé bờ vực phá sản gia tăng, các tài sản được đem đi đảm bảo cho việc vay nợ đa phần đều bị sụt giảm giá trị. Đó là chưa kể đến việc các loại tài sản như máy móc thiết bị, nguyên liệu tồn kho đôi khi chỉ phù hợp với đặc thù hoạt động của một số ngành nhất định. Vì thế, việc thanh lý các tài sản đảm bảo trong lúc này thật không dễ dàng.
Khi đó, chủ nợ và con nợ sẽ ngồi lại xem xét các biện pháp xử lý để cùng nhau vượt qua khó khăn. Khoanh nợ, giãn nợ hoặc chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần là những giải pháp được xem xét nhiều nhất.
Gần đây, việc chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần diễn ra khá phổ biến. Khi thẩm định lại giá trị doanh nghiệp, chủ nợ sẽ phải cân nhắc giữa giá trị toàn doanh nghiệp (bao gồm hữu hình và vô hình) và giá trị tài sản phát mãi để tối đa lượng vốn thu hồi cho mình.
Nếu việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp có thể giúp chủ nợ thu hồi được vốn, phương pháp cơ cấu nợ vay thành vốn chủ sở hữu sẽ được xem xét. Việc này thường chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đủ khả năng khôi phục lại hoạt động nếu có nguồn vốn hỗ trợ. Các doanh nghiệp này phải có thương hiệu, thị trường, hệ thống nhà xưởng máy móc có thể đi vào hoạt động ổn định ngay sau khi được bơm vốn.
Trong các trường hợp cơ cấu nợ thành vốn cổ phần thời gian vừa qua, Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) có lẽ là trường hợp nhẹ nhàng nhất. Chủ nợ của HT1 là công ty mẹ Vicem. Trong khi đó, HT1 lại là thương hiệu xi măng hàng đầu tại thị trường miền Nam. Hoạt động kinh doanh lại liên tục tăng trưởng ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, với tỉ suất lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA)/doanh thu thuần cao và dòng tiền hoạt động mạnh.
Thế nhưng, điểm yếu của HT1 là tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao và lỗ biến động tỉ giá (cũng do vay nợ) khiến lợi nhuận thu về cho cổ đông không còn bao nhiêu sau khi thanh toán cho các chủ nợ. Việc điều chỉnh cơ cấu vốn giúp hiệu quả hoạt động của HT1 được cải thiện đáng kể.
Trên thực tế, không có nhiều trường hợp thuận lợi như HT1. Đa phần các doanh nghiệp cơ cấu nợ thành vốn chỉ mới là bước khởi đầu để giảm áp lực trả nợ và chi phí lãi vay. Để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại, các chủ nợ đều phải bơm thêm vốn.
Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) là một ví dụ. Giai đoạn 2011-2012, do việc quản trị điều hành yếu kém, vay nợ thiếu kiểm soát, nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định đã khiến doanh nghiệp này điêu đứng. SHB, cổ đông và là một trong những chủ nợ của Bianfishco, đã đứng ra đàm phán, thu xếp với các chủ nợ khác, đồng thời tiếp tục bơm vốn để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.
Cho đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco đã có nhiều tín hiệu khả quan. Theo đánh giá của một tổ chức từng là chủ nợ của Bianfishco, vấn đề của doanh nghiệp là sự yếu kém trong quản trị. Tổ chức này từng tài trợ vay nợ cho Công ty với ý định tham gia điều hành cơ cấu lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, tổ chức này đã lặng lẽ rút lui khi SHB vào cầm trịch cuộc cải tổ tại Bianfishco.
Tương tự, Gỗ Trường Thành là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế, sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và chậm chân trong quá trình tái cấu trúc đã khiến Gỗ Trường Thành sa vào nợ nần.
Một tin vui là Công ty Mua bán nợ DATC đã mua 543 tỉ đồng nợ của Gỗ Trường Thành từ Vietcombank và có thể mua tiếp 350 tỉ đồng nợ tại một số ngân hàng khác, đồng thời bơm thêm 164 tỉ đồng vốn hoạt động cho doanh nghiệp thông qua việc mua 19,5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá 8.400 đồng/cổ phiếu. Điều này được kỳ vọng sẽ có thể giúp Gỗ Trường Thành phục hồi hoạt động sản xuất.
Khi chuyển nợ thành vốn, các chủ nợ lúc này đã thành cổ đông. Họ sẽ có động lực để bắt tay đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Sau khi doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, chủ nợ có thể bán lại cho các nhà đầu tư quan tâm hoặc bán qua thị trường chứng khoán để thu hồi vốn.
Trên thực tế, việc tiếp tục tài trợ hay phát mãi tài sản là một quyết định không hề dễ dàng đối với chủ nợ. Bởi lẽ, nhiều khi chủ nợ không có kinh nghiệm kinh doanh như con nợ nên việc đứng ra chèo chống doanh nghiệp trên bờ vực phá sản sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là chưa kể đến việc góp vốn và tiếp tục bơm vốn mà không biết khi nào mới có thể thu hồi được vốn cũng là một bài toán khiến các chủ nợ đau đầu.
Sự hợp tác của chủ doanh nghiệp cũng là yếu tố then chốt làm nên sự thành công của việc chuyển nợ thành vốn. Đối với công ty cổ phần, để phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, cần được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỉ lệ biểu quyết trên 75% số người tham dự.
Trong một số trường hợp, chủ doanh nghiệp lại không mặn mà hợp tác với chủ nợ. Đôi khi sự lo sợ mất quyền chi phối của những người sáng lập công ty cũng khiến cho quá trình tái cơ cấu trở nên khó khăn hơn.
Sự xuất hiện của các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp như DATC hay VAMC có thể giúp việc cơ cấu nợ thành vốn diễn ra thuận lợi, mang lại lợi ích cho cả bên cho vay lẫn người đi vay. Ngân hàng sau khi bán nợ tiếp tục có vốn để tập trung cho hoạt động kinh doanh. Còn doanh nghiệp thì có cơ hội khôi phục hoạt động thay vì “chết oan” do bị phát mãi tài sản

Theo NCDT