Adidas lần đầu bị soán ngôi tại thị trường Mỹ

Đối với Adidas, Nike dường như không còn là đối thủ duy nhất tại Mỹ, hiện thương hiệu đồ thể thao Đức đang bị Under Armour cho “hít khói”, Nhật báo phố Wall đưa tin. 
ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên Adidas rớt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các thương hiệu thể thao tại Mỹ.
Tính từ đầu năm tới nay, doanh số gộp của sản phẩm giầy và quần áo thể thao Adidas đã trượt 23% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,1 tỷ USD, theo số liệu từ công ty Sterne Agee và SportScanInfo, ít hơn doanh số tăng trưởng 20% của Under Armour, cán mốc 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Doanh số cả hai công ty đều chưa bằng ¼ doanh số của Nike, tại 8,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận teo tóp của Adidas cho thấy công ty này đang vật lộn vì mất dần thị phần tại Mỹ, trong khi Nike rộng bước chiếm thế thượng phong tại thị trường châu Âu chủ chốt này.
Ý thức được điều này, trong tháng Tư, Adidas đã thông báo sẽ thăng chức cho Giám đốc quản lý công ty con TaylorMade-Adidas Golf, ông Mark King, lên ghế Chủ tịch mới của khu vực Bắc Mỹ.
Chủ tịch King cho biết theo ông, công ty Adidas tại Mỹ đang mất tập trung. Thế mạnh của công ty là bóng đá, tuy nhiên lại chưa thành công trong việc tạo dựng thương hiệu trong các môn thể thao đặc trưng khác của Mỹ.
Hiện giờ, mục tiêu quan trọng nhất của ông là đưa Adidas thâm nhập các môn thể thao khác như bóng bầu dục, bóng chày và bóng rổ.
“Tại Mỹ, những công ty như hai đối thủ của Adidas không ngừng sáng tạo các mẫu mới. Phía nào thích ứng nhanh nhất với khách hàng và thị trường sẽ chiến thắng. Chúng tôi cần phải hành động nhanh hơn”, ông nói.
Trong khi đó, Under Armour – sở hữu chuỗi phân phối nhỏ hơn Adidas tại Mỹ – đang bứt dần lên.
Under Armour đánh bại Adidas về mặt doanh số trong 8 tháng đầu năm 2014.

Thế mạnh của Under Armour nằm ở lĩnh vực quần áo thể thao, chiếm phần lớn doanh số bán ra.
Hiện công ty này cũng đang tích cực thâm nhập thị trường giầy thể thao, đặc biệt là bóng rổ, mặc dù phải phân phối bán buôn chủ yếu qua các nhà bán lẻ đồ thể thao có số lượng hạn chế.
Theo tiết lộ của Becky Jones – Phó chủ tịch công ty thương mại, marketing và hậu cần Hibbett Sports – khách hàng tại các cửa hàng của công ty thích dùng đồ Nike và Under Armour hơn, nhất là thanh niên.
Tại một vài địa điểm, nơi lớp khách hàng địa phương thích quần áo thể thao có phong cách “sang chảnh”, các sản phẩm của Adidas bán chạy hơn đôi chút.
Nhưng ngược lại, Adidas khá “ế” tại các cửa hàng nơi người mua tìm kiếm các bộ đồ thể thao đơn giản, truyền thống, bà cho biết.
Tính trên toàn thế giới, Adidas vẫn giữ vị trí thương hiệu đồ thể thao bán chạy thứ hai sau Nike. Tuy nhiên tầm phủ sóng của Adidas tại Mỹ đang bị xói mòn trong thập kỷ vừa qua, bất chấp nỗ lực mua lại Reebok với giá 4 tỷ USD của công ty.
Vào thời điểm đó, thương vụ sáp nhập này được cho là chìa khóa đưa thương hiệu thể thao của Đức tấn công Nike tại chính thị trường quê nhà của đối thủ.
Tuy vậy, sau khi phi vụ được hoàn tất năm 2005, doanh số gộp của Adidas và Reebok trên thị trường giày thể thao lại trượt 18% xuống còn 10% trong năm 2013, theo số liệu của công ty SportsOneSource.

Theo Bizlive