Một nhà lãnh đạo tài ba sẽ biết cách để kiểm soát những tranh cãi gay gắt từ phía đối lập. Thay vì nóng giận với những ý kiến bất đồng tiêu cực, họ sẽ chọn cách tận dụng những mâu thuẫn để giải quyết vấn đề.
ảnh minh họa
Để làm được điều này, doanh nhân AJ Agrawal – CEO và đồng sáng lập mạng xã hội kết nối sinh viên với giảng viên Alumnify khuyên bạn nên tập 4 thói quen sau:
1. Nghe trước khi nói
Khi một ai đó giận dữ, hãy dành sự kiên nhẫn lắng nghe cho những lập luận từ phía người ấy. Đầu tiên, sẽ rất khó để bạn ngừng lại, im lặng lắng nghe mà không ngắt lời đối phương để đưa ra những giải pháp của riêng mình. Nhưng b\Bạn hãy tập cách tiết chế sự nóng giận của bản thân và đợi khoảng 3 giây sau khi người đối diện ngừng nói. Điều này sẽ khuyến khích đối phương tiếp tục nói và nếu bạn chú tâm lắng nghe, bạn sẽ hiểu rõ hơn nguồn gốc của vấn đề đang tranh cãi.
Những nhà lãnh đạo lớn xây dựng sự tôn trọng từ mọi người bằng cách đảm bảo rằng mọi thành viên trong nhóm đều cảm thấy được tôn trọng và có giá trị riêng. Cách dễ nhất để làm điều này là im lặng và lắng nghe tích cực.
2. Tiếp nhận mọi chỉ trích và xin lỗi
Thông thường, đối phương sẽ khởi đầu cuộc tranh cãi bằng việc giải thích bạn đã làm sai điều gì và lỗi không thuộc về họ. “Tôi rất tiếc” và “Đó là lỗi của tôi” là hai trong số những câu nói có sức mạnh điều hòa không khí tranh cãi và hướng cuộc nói chuyện sang không khí tích cực hơn.
Điều này cũng hiệu quả trong những cuộc tranh luận nội bộ. Khi người lãnh đạo nhận trách nhiệm, họ xây dựng được sự tôn trọng và giảm thiểu những tổn thương có thể gây ra cho những thành viên trong công ty.
3. Đặt câu hỏi
Nguyên nhân của cuộc tranh cãi hiếm khi thể hiện ở bề mặt. Thách thức ở đây là bạn phải đi xuyên qua những lời chỉ trích để tìm ra gốc rễ của vấn đề.
Bạn có thể áp dụng quy tắc “5 câu hỏi tại sao”. Bằng cách liên tiếp đặt ra câu hỏi “vì sao” cho mỗi câu trả lời từ đối phương, bạn sẽ tìm ra được vấn đề thực sự nằm ở đâu. Một lợi ích khác là đối phương cũng sẽ nhìn thấy được vấn đề thực sự thông qua việc trả lời những câu hỏi của bạn.
Một khi đã cùng tìm thấy nguyên nhân vấn đề thì cả hai sẽ dễ dàng hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp.
4. Tư duy “win – win”
Những nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách để biến kẻ thù thành đồng minh. Một mẹo kinh điển có thể áp dụng cho mọi cuộc thương thuyết lẫn tranh cãi là hỏi đối phương “Chúng ta có thể làm gì để đạt được một giải pháp có lợi cho cả hai?”.
Khi bạn hỏi điều này, bạn sẽ chuyển cuộc đối thoại từ hai kẻ đang tranh cãi sang hai người cùng làm việc chung. Và bằng cách đưa cả hai về cùng chiến tuyến, bạn sẽ có cơ hội để kết thúc cuộc tranh cãi với giải pháp có lợi cho cả hai.
Theo DNSG