Săn tài năng, không dễ

Head Hunter – săn đầu người là cụm từ dùng để nói tới những tổ chức hoặc cá nhân chuyên săn lùng những ứng viên tài năng, bằng lòng làm việc cho một tổ chức thứ ba nào đó. Công việc này giống như đãi cát tìm vàng và ít người biết rằng đôi lúc tiền bạc chẳng giải quyết được vấn đề mà nghệ thuật tìm người mới chính là chìa khóa. 

Ảnh minh họa


Vì sao phải “săn”? 
Khi nói đến tuyển dụng, người ta thường nghĩ ngay đến các hình thức đăng tuyển dụng, mời tuyển dụng, sàng lọc, sau đó phỏng vấn và quyết định lựa chọn. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tuyển dụng, hình thức tuyển dụng đó hầu như chỉ dành cho những vị trí nhân viên hoặc quản lý trung gian bình thường như giám sát bán hàng, trưởng phòng, cùng lắm là giám đốc của một chi nhánh. 
Các công ty khi muốn tuyển người vào một vị trí quan trọng hơn từ bên ngoài thì cần phải chiêu mộ được những người tài hoặc có kinh nghiệm thực sự. Và nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả nhất mà họ có thể nghĩ đến là lấy những người có kinh nghiệm từ một công ty khác, thậm chí là của đối thủ cạnh tranh. 
Những công ty vẫn cạnh tranh với nhau thường không thể trực tiếp mời gọi, vì vậy nghề săn đầu người mới ra đời. Đó có thể là cá nhân hoặc công ty chuyên liên hệ trực tiếp và dùng nghệ thuật thuyết phục để chèo kéo các ứng viên phù hợp với yêu cầu của tổ chức. Kết quả cuối cùng là công ty có thể trực tiếp phỏng vấn những người cần thiết và lựa chọn vào vị trí đang cần nhưng không bị mang tiếng là cạnh tranh không lành mạnh. 
Nhiều công ty lớn như Coca Cola, Pepsi, Unilever hay P&G vẫn ký hợp đồng với một hoặc nhiều công ty Việt Nam làm dịch vụ săn đầu người. Ngoài việc tìm được người theo nhu cầu, các công ty còn sử dụng các dịch vụ khác như tư vấn nhân sự, tư vấn tuyển dụng, điều tra nhân sự, đánh giá và thẩm định nhân sự… Nhờ đó, các công ty sẽ tiết kiệm được thời gian để đánh giá hay thẩm định những người phù hợp. 
Chi phí dành để săn đầu người khá cao, nếu nhà tuyển dụng tìm được các ứng viên phù hợp. Thường thì số tiền phải chi trả sẽ là 100% của tháng lương đầu tiên cho vị trí được tuyển dụng, còn với các vị trí cao hơn, có mức lương từ 1.000 USD trở lên thì mức phí sẽ lên tới 150-200%. 
Như vậy làm một phép nhẩm tính, nếu đưa được một người tài vào vị trí cần thiết, công ty làm dịch vụ săn đầu người sẽ kiếm được ít nhất 30 triệu đồng. Với một đợt tuyển dụng, một chuyên gia săn đầu người có thể kiếm tới số tiền lên tới trăm triệu đồng, các tổ chức thậm chí sẵn sàng bỏ thêm nữa, miễn là những người được tuyển có thể đáp ứng được nhu cầu nhân sự của họ. 
Rất nhiều công ty hiện nay, đặc biệt là các tập đoàn lớn của nước ngoài không tiếc tiền đầu tư để hoàn thiện hệ thống nhân sự của họ. Điều đó khiến dịch vụ săn đầu người đang trong giai đoạn nở rộ, bởi nhu cầu về nhân lực trình độ cao hiện nay ở Việt Nam là rất lớn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực quản trị kinh doanh, quản trị Marketing, PR và bán hàng. 

Nghệ thuật săn
Công việc săn đầu người không đơn thuần là tìm kiếm, mà là cả một công nghệ. Cốt lõi của nó là bộ hồ sơ của hàng loạt ứng viên. Một công ty làm dịch vụ này tối thiểu phải lưu trữ khoảng chục nghìn hồ sơ về các ứng viên ở mọi ngành nghề khác nhau. Họ phải cử một hệ thống theo dõi và nắm bắt thông tin về các ứng viên, thường xuyên cập nhật theo tháng hoặc quý, nhất là với các ứng viên có trình độ giỏi. 
Có trường hợp khi một công ty muốn lôi kéo được ứng viên từ bên công ty cạnh tranh, đã phải ngạc nhiên vì thông tin của người đó đã được mạng lưới tình báo của công ty làm dịch vụ thu thập từ cách đó hai năm và liên tiếp cập nhật. Ngay chính người tài cũng không hề biết có người khác theo dõi sát sao mọi chuyển biến trong công việc của mình. 
Hiện nay đã có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin cho hoạt động săn đầu người, bằng chứng hùng hồn là sự phát triển nhanh chóng của các website chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng. Vietnamworks.com, kiemviec.com, tuyendung.com, vietjobs.com… với số hồ sơ đăng ký lên tới vài chục nghìn. Các kho hồ sơ này được bảo mật rất kỹ càng, thông tin thu thập từ các ứng viên được coi như là “nguồn sống” của các chuyên gia săn đầu người. 
Sau khi lập được hồ sơ, việc tiếp theo sẽ là phân loại và lựa chọn. Một đội ngũ chuyên gia sẽ chuyên làm nhiệm vụ phân tích và thẩm định từng hồ sơ của các ứng viên, sau đó lưu lại các thông tin cần thiết nhất về trình độ của các ứng viên đó. Ngay khi có đơn đặt hàng về nhân sự, các ứng viên phù hợp sẽ được liên hệ, tư vấn… 
Chính vì doanh thu rất cao và lợi nhuận hấp dẫn nên các công ty cung cấp dịch vụ ngày càng mọc lên nhiều hơn, các tổ chức cũng có thể sử dụng cùng lúc nhiều đơn vị khác nhau để săn lùng người tài. Chính vì vậy mà xảy ra cuộc chiến không khoan nhượng giữa các công ty săn giành người với nhau. Tình trạng ăn cắp thông tin, cài nội gián đang xảy ra gay gắt giữa các công ty, đặc biệt khi có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài, vốn “cao tay” trong lĩnh vực này. 
Một vấn đề nổi cộm với các tổ chức săn đầu người của Việt Nam lại là sự bế tắc về nhân sự trong chính nội bộ của họ. Họ có thể tư vấn rất giỏi nhưng các vấn đề nội tại thì lại không thể giải quyết được nhanh chóng. Hoạt động marketing của các công ty này cũng vấp phải nhiều khó khăn vì trước đây, họ đã quen với kiểu hoạt động “chìm”. 
Các công ty cung cấp dịch vụ săn đầu người đang phải đổi mới công nghệ làm ăn từng ngày và phần thắng không phải bao giờ cũng nghiêng về những tổ chức có nhiều nguồn lực hơn. Cuộc cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn như một cuộc chạy việt dã mà trong cuộc đua ấy, người được lợi có khi không phải là công ty làm dịch vụ săn đầu người, mà chính là các nhà tuyển dụng.